Khu công nghiệp sinh thái: Giải pháp tăng trưởng ‘xanh’ bền vững ở Việt Nam

Khu công nghiệp sinh thái – giải pháp tiết kiệm tài nguyên

Đến hết năm 2019, Việt Nam có 328 KCN, khu chế xuất (KCX). Không thể phủ nhận những đóng góp của các đơn vị này trong tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, hoạt động sản xuất, tiêu thụ tài nguyên tại các KCN phát sinh chất thải, đang gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. 13% KCN hiện nay đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải, 18% chất thải công nghiệp là chất thải nguy hại. Phát thải bẩn đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của cộng đồng dân cư khu vực quanh các KCN, KCX.

Trước những tác động tiêu cực tới môi trường và cộng đồng, các mô hình KCN sinh thái được đề xuất triển khai. Theo đó, 3 KCN của Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ là đối tượng thí điểm mô hình KCN sinh thái. Tại đây, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia, các công ty sẽ phối hợp với nhau và phối hợp với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động không tích cực tới môi trường và giảm chi phí sản xuất.

KCN sinh thái ngày càng được công nhận là một công cụ hiệu quả giúp phát triển bền vững, trong đó hiệu quả thấy rõ là lượng tài nguyên tiêu thụ sẽ giảm đi nhưng không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp (DN) trong các KCN sinh thái.

Bà Tường Anh, đại diện Tổ chức xây dựng Báo cáo hướng dẫn kỹ thuật về KCN sinh thái Việt Nam trả lời trên báo Công Thương: “Ba yếu tố cơ bản của KCN sinh thái bao gồm quản lý môi trường và hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn ở mỗi DN trong KCN và các mạng lưới cộng sinh công nghiệp giữa các DN và hạ tầng xanh của KCN. Mô hình KCN sinh thái được thực hiện thành công ở nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc và nhiều nước châu Âu”.

Về bản chất, KCN sinh thái là một “cộng đồng” các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, hướng tới hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong việc quản lý các vấn đề môi trường và nguồn tài nguyên. Bằng các hoạt động hợp tác chặt chẽ với nhau, “cộng đồng” KCN sinh thái sẽ đạt được một hiệu quả tổng thể lớn hơn nhiều so với tổng các hiệu quả mà từng doanh nghiệp hoạt động riêng lẻ gộp lại.

Khu công nghiệp sinh thái mang đến những tiềm năng lớn

Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế có nêu rõ mục tiêu chính sách khuyến khích phát triển KCN sinh thái và các tiêu chí xác định KCN sinh thái ở Việt Nam. Việc định hướng các KCN theo hướng KCN sinh thái sẽ góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Cũng theo bà Tường Anh, chúng ta lấy ví dụ nếu một KCN được tái chế nước thải để sử dụng lại cho sản xuất có thể giảm được 40% lượng nước thải vào môi trường cũng như giảm chi phí nước sạch đầu vào. Tương tự, cơ hội tận thu nhiệt thải để sản xuất nước nóng và hơi cấp cho các nhà máy trong KCN giúp giảm sử dụng 20-40% nhiên liệu đốt. Giải pháp cộng sinh công nghiệp trong KCN sinh thái cũng là một trong những công cụ thực hành “kinh tế tuần hoàn” để phát triển bền vững.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai dự án thí điểm mô hình KCN sinh thái tại 3 KCN thuộc tỉnh Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Sau 4 năm triển khai, 72 doanh nghiệp tham gia chương trình này đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), góp phần cải thiện hiệu quả tài nguyên giúp tiết kiệm hằng năm, tương ứng 75 tỷ đồng thông qua cắt giảm 17,8 triệu kWh điện, 429.000 m3 nước và một số lượng đáng kể các nguyên, nhiên vật liệu khác. Chẳng hạn, khói nóng từ nhà máy sản xuất thép có thể được tái sử dụng cho các DN ngành dệt may để là ủi vải. Thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính, môi trường ở khu vực dân cư lân cận cũng giảm thiểu đáng kể.

Riêng tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), theo đánh giá sơ bộ về kết quả thí điểm, 8/8 công ty tham gia thí điểm chuyển đổi đã tiết kiệm được năng lượng điện từ 5-10%, nước tiết kiệm được 3-5%, giảm thải CO2 là 510,1 tấn/năm; COD ;à 95 kg/năm; Teq PCDD/F là 51,1 µg/năm. Các doanh nghiệp này đang thực hiện mô hình Cộng sinh công nghiệp với 6 giải pháp cộng sinh (nhiệt, nước, chất thải rắn). Các doanh nghiệp đã bước đầu thực hiện các bước của chu trình những thứ thải ra của doanh nghiệp có thể làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp kia hoặc tận dụng nhiệt thừa, năng lượng thừa trong qua trình sản xuất của mình để chia sẻ cho doanh nghiệp liền kề. Kết quả trên cho thấy tiềm năng lớn trong việc tiết kiệm tài nguyên tại các KCN của Việt Nam, từng bước hình thành các KCN sinh thái.

Có thể nói, việc áp dụng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam là một trong những giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Phát triển khu công nghiệp sinh thái có thể cải thiện hoạt động kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường bởi nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, giảm bỏ chất thải và thích hợp cho phát triển công nghiệp xanh. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam, hệ thống chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng. 

Nguồn; batdongsancongnghiep.vn

Chat qua zalo