Kinh nghiệm thành công ở các KCN Bình Dương
Ngày:27/02/2020 04:56:40 CH
Gần 70 KCN trong cả nước, dù được đầu tư cơ sở hạ tầng lý tưởng vẫn đang trong cảnh... "xưởng không nhà trống", côi cút đáng sợ. Nỗi buồn còn nhân gấp bội khi tiền làm cơ sở hạ tầng phải đi vay mượn chịu lãi suất chờ ngày “đáo hạn”... Tuy nhiên, phương thức làm ăn ở các KCN Bình Dương tỏ ra rất hiệu quả.
Trong khâu cải cách hành chính, Bình Dương đi đầu với cơ chế “một cửa, một chỗ”, mọi vướng mắc chỉ cần "gõ" Sở Kế hoạch và Đầu tư là thông. Ông Võ Văn Cư, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh kể rằng, nhiều khi “đầu mối” này bị “tắc” do không thuộc thẩm quyền quyết định thì các quan chức và nhà đầu tư bay thẳng ra Hà Nội cùng “gõ” cơ quan chức năng. Trường hợp “gõ” miết mà vẫn chưa “mở” được chỉ còn cách gặp trực tiếp Thủ tướng nhờ giải quyết. Và chính việc coi khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của chính mình mà tỷ lệ lấp đầy KCN của Bình Dương thuộc loại cao nhất nước.
Có nhiều chuyện nhỏ xoay quanh “kênh tiếp thị” ở đây. Đó là chuyện có nhà đầu tư châu Á cần số giấy phép 9 nút may mắn - tức khắc có ngay; cần vào "giờ Hoàng Đạo" cũng có. Ngoài ra, các nhà quản lý Bình Dương không quản ngại dành 2 bữa ăn miễn phí với đủ món ăn hợp “gu” dành cho người còn lưỡng lự “vào hay không vào”... Đánh vào yếu tố tâm lý - tưởng chừng đơn giản - thật ra là cách tiếp thị còn hơn những chuyến công tác nước ngoài tốn bạc tỷ lấy từ ngân sách Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Dương tâm sự: "Chúng tôi tạo sự an tâm đầu tư cho nhà đầu tư. Nói thật, chính họ là kênh tiếp thị tốt nhất cho mình. Vừa rồi, một tập đoàn xe đạp Đài Loan ở KCN Sóng Thần chuyên làm loại xe xuất khẩu với giá 1.000 USD/chiếc đã thích chúng tôi đến nẽmức kéo về thêm 11 vệ tinh nữa. Thành công của một KCN theo tôi - giống như kết hôn - phụ thuộc cả 2 phía. Và thật ra, vị trí địa lý, giá thuê đất không quyết định lắm. Cái chính vẫn phải hiểu được nhà đầu tư muốn gì, thích gì?”.
Sự bền vững mối quan hệ - từ buổi ban đầu đến khi cấp mã số thuế, thủ tục hải quan, những vướng mắc điện, nước... là cả một chuỗi dữ kiện kéo sau nó, đã được ban lãnh đạo tỉnh nâng thành “quốc sách” của Bình Dương. Chỉ riêng chuyện thanh, kiểm tra phải có đề cương, có lý do thỏa đáng cũng đã giải tỏa tâm lý ức chế cho những người làm ăn nghiêm túc.
Chuyện phát huy nội lực của Bình Dương còn dài... như danh sách các đoàn tỉnh, thành đến học tập kinh nghiệm. Nhưng không phải không còn những rào cản đối với tỉnh “lá cờ đầu” về tốc độ phát triển kinh tế. Trở ngại lớn nhất vẫn là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực tại chỗ: Lao động địa phương chỉ chiếm có 12% tổng số lao động KCN. Và ngành nghề cần lại không ai đầu tư dạy nghề... “Hướng quan trọng nhất là đào tạo tại chỗ và phải quy hoạch ngay từ cấp trung học phổ thông. Chúng tôi hướng tới chuyện đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp” - ông Cư bộc bạch như vậy về hướng tổ chức lại hệ thống dạy nghề ở Bình Dương. Tất cả vẫn còn ở phía trước.
Nguồn: vnexpress