Kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng khá
Ngày:06/05/2020 09:31:50 SA
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn bao trùm, với không ít thách thức đan xen, nhất là đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến hầu hết các ngành kinh tế và các mặt của đời sống xã hội, nhưng trong quý I Bắc Ninh vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,9% (quý I năm 2019 là -2,5%) và tăng 0,4% so với dự báo của kịch bản tăng trưởng kinh tế quý I đưa ra (5,5%). Đây là mức tăng trưởng khá, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh,
Công ty Sản xuất thiết bị cơ điện Việt Pháp cung ứng các tủ biến áp phục vụ ngành điện.
Dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp tiết giảm công suất, hoặc sản xuất cầm chừng, do sản phẩm chậm tiêu thụ và thiếu nguồn cung nguyên, vật liệu bởi nhập khẩu bị hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội. Các ngành sản xuất gặp khó khăn lớn nhất là ngành gỗ, ngành giấy, tiếp đến là ngành khách sạn, kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành giảm 13,7% so với quý trước và giảm 10% so với cùng kỳ; dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ vận tải giảm mạnh. Tại các KCN tập trung của tỉnh có 48 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (chủ yếu là doanh nghiệp trong nước) và có gần 700 lao động tạm thời nghỉ việc (vẫn được trả lương) do doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19… Tuy vậy, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng 8,2% (riêng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so với quý I-2019), nguyên nhân tăng là do ngành sản xuất chủ lực là sản phẩm điện tử vẫn tăng trưởng cao bù lại phần thiếu hụt do tác động của dịch bệnh. Cụ thể, Tập đoàn Samsung ra mắt 3 dòng sản phẩm mới và được đặt hàng với số lượng lớn, nên doanh thu xuất khẩu của nhà máy Samung điện tử tại Bắc Ninh tăng dần qua từng tháng (tháng 1 đạt 866 triệu USD, đến tháng 2 tăng gấp gần 2 lần lên 1,651 tỷ USD; tháng 3 là 1,834 tỷ USD). Đối với Công ty TNHH Samsung Samsung Diplay Việt Nam duy trì doanh thu xuất khẩu ở mức từ 1,15 tỷ USD đến 1,19 tỷ USD/tháng. Như vậy, doanh thu xuất khẩu quý I của 2 Công ty Samsung điện tử và Samsung màn hình đạt 7,877 tỷ USD, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh trong quý lên 8,29 tỷ USD, tăng hơn 11,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 6,89 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trong khó khăn nhiều doanh nghiệp linh hoạt, chủ động điều hành sản xuất, vừa bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa tìm ra hướng đi phù hợp với tình hình, bởi vậy mà các sản phẩm công nghiệp có lượng xuất khẩu lớn và nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng đều có lượng sản xuất tăng. So với cùng kỳ trong 25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tới 16 mặt hàng có chỉ số tăng. Trong đó nhóm thực phẩm tăng 17,7%; sữa và kem tăng 5,5%; dược phẩm có chứa vitamin tăng gấp 2 lần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 16.744,2 tỷ đồng, giảm 6,3% so với quý trước (do nhu cầu mua sắm phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2020), nhưng tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 13.182 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Cùng với tăng trưởng ở lĩnh vực công nghiệp, hoạt động đầu tư xây dựng có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển quý I ước đạt 16.226,4 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước ước 1.513,6 tỷ đồng, tăng 23,3%; vốn ngoài nhà nước (các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình) ước 5.834,3 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước 8.878,5 tỷ đồng, tăng 6,3%. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GRDP chiếm 30,3%. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, song Bắc Ninh vẫn “hấp thụ” tốt dòng vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn, với tổng số vốn là 280,164 triệu USD, bao gồm vốn đầu tư đăng ký mới là 109,787 triệu USD; vốn điều chỉnh tăng là 141,648 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp là 29,929 triệu USD. Các dự án FDI cấp mới tiêu biểu như: Nhà máy SUGA International Việt Nam (KCN Quế Võ III), vốn đăng ký 7 triệu USD, chuyên sản xuất máy huấn luyện động vật, mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối, sản phẩm điện tử dân dụng, thiết bị truyền thông…; Nhà máy ABCO Electronics VINA, vốn đăng ký 5 triệu USD, sản xuất linh kiện điện tử; Công ty TNHH HIT VINA (KCN VSIP), vốn đăng ký 1,74 triệu USD, chuyên sản xuất và gia công các máy chuyên dụng tự động hóa liên quan đến công nghệ gắn linh kiện bề mặt (như máy in, máy dập cắt, máy khắc chữ bằng tia laser…
Mục tiêu đặt ra trong kịch bản tăng trưởng kinh tế quý II-2020 là 10,1%, đây là thách thức rất lớn đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý II. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu: Các ngành, địa phương chủ động xây dựng kịch bản theo hướng ứng phó hiệu quả với các tác động của dịch COVID -19 gây ra cho tất cả các lĩnh vực. Trong đó, cần xác định rõ các mức phấn đấu cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực và có những giải pháp, đối sách kịp thời, hiệu quả nhằm thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Triển khai các gói hỗ trợ tín dụng, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, đi liền với các chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ. Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, quan tâm thúc đẩy công nghiệp trong nước; đẩy mạnh thu hút đầu tư mới cùng với chăm sóc các doanh nghiệp FDI đã và đang hoạt động. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời tận dụng mọi thời cơ, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.