Làn sóng 'rời khỏi Trung Quốc' được tiếp luồng gió mới tại Nhật Bản
Ngày:14/05/2020 08:49:27 SA
Nội các Nhật Bản hồi tháng 4 đã dành tới 248,6 tỷ yen (2,33 tỷ USD) để trợ cấp cho các doanh nghiệp đưa nhà máy trở về nước này, chi trả tới hai phần ba chi phí di dời.
Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình ở Mỹ.
"Đã đến lúc tẩy chay Trung Quốc và xây dựng lại các nhà máy ở Mỹ", thượng nghị sĩ Tom Cotton viết trên Twitter vào giữa tháng 4.
"Trong bối cảnh đại dịch virus corona, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đề xuất chính sách 'rời khỏi Trung Quốc', xây dựng một nền kinh tế ít phụ thuộc vào Trung Quốc", Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói trên Twitter, cho rằng Mỹ "nên coi việc này là ưu tiên".
Mặc dù số tiền chiếm chưa đến 1% trong gói kích thích kinh tế 108 nghìn tỷ yen, nhưng rõ ràng đã khiến Trung Quốc cảnh giác. Bắc Kinh không chỉ hối thúc giới chức Nhật Bản giải thích ý nghĩa của biện pháp này, mà còn thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc về việc họ có kế hoạch rời đi hay không.
Chính phủ Nhật Bản chắc chắn đã làm mọi cách để tình trạng thiếu khẩu trang không lặp lại.
Song 2,33 tỷ USD không đủ để thúc đẩy một sự thay đổi có ý nghĩa. Hàng loạt câu hỏi của Bắc Kinh đối với Tokyo cũng lắng xuống.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã được thổi vào luồng gió mới khi Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, nhấn mạnh sự cần thiết phải tự chủ hơn.
"Nhìn vào khẩu trang chẳng hạn, 70 đến 80% được sản xuất tại Trung Quốc", ông cho biết. "Chúng ta phải tránh phụ thuộc quá mức vào một số quốc gia nhất định về sản phẩm hoặc nguyên liệu và đưa về nước các cơ sở sản xuất hàng hóa cần thiết cho cuộc sống hàng ngày".
Ông Suga là cánh tay phải của Thủ tướng Abe và là nhân vật chủ chốt trong chính phủ kể từ khi ông Abe trở lại làm thủ tướng năm 2012. Phát biểu của ông Suga phản ánh điều gì đó rộng lớn hơn nhiều so với một chính sách tạm thời để ứng phó cuộc khủng hoảng hiện tại.
Trật tự thế giới mới hậu đại dịch
Hồi tháng 4, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản đã thành lập một nhóm chuyên gia kinh tế chuyên trách. Một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã được bổ nhiệm vào vị trí mới trong ban lãnh đạo hội đồng, cho phép bộ này hiện diện trong một cơ quan trước đây chỉ do hai bộ ngoại giao và quốc phòng làm chủ.
Nhóm mới sẽ lãnh đạo việc soạn thảo một chiến lược cơ bản về an ninh kinh tế dự kiến giới thiệu trong năm nay. Nhóm dự tính quy định dược phẩm và thiết bị y tế là hàng hóa chiến lược - rút ra bài học từ sự thiếu hụt khẩu trang - và đề ra các biện pháp để thúc đẩy sản xuất trong nước và sử dụng các nhà cung cấp Nhật Bản.
Nguồn: News.zing.vn