Liệu Ấn Độ có cơ hội nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu - thay thế Trung Quốc hay không?
Ngày:25/03/2020 09:23:22 SA
Khi Trung Quốc quay cuồng với Covid-19, nhiều người đang băn khoăn: "Liệu Ấn Độ có cơ hội nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu - thay thế Trung Quốc hay không?" Điều đó không phải là không thể xảy ra, nhưng có rất nhiều rào cản, vì một loạt lý do mà South China Morning Post nêu ra dưới đây.
Đầu tiên, chuỗi cung ứng sản xuất của Ấn Độ được thiết kế phù hợp với thị trường trong nước. Ấn Độ sẽ cần có thời gian để thực hiện những thay đổi, cho phép các nhà máy tăng cường sản xuất cho khách hàng quốc tế.
Thứ hai, chỉ có một số địa điểm ở Ấn Độ phù hợp cho sản xuất quy mô lớn, và có những thách thức trong lĩnh vực hậu cần để vận chuyển nguyên liệu thô đến các trung tâm sản xuất này, cũng như đưa sản phẩm cuối cùng đi xuất khẩu.
Thứ ba, việc đào tạo lại công nhân quy mô lớn là cần thiết, để có thể đảm nhận việc làm được hưởng lợi từ Trung Quốc. Điều đó sẽ không thể hoàn tất trong một đêm. Ấn Độ sẽ cần đầu tư đáng kể từ cả chính phủ và khu vực tư nhân.
Thứ tư, sẽ có rất nhiều sự cạnh tranh từ các nền kinh tế đang nổi lên như Việt Nam và Bangladesh. Ấn Độ là một quốc gia liên bang, điều đó có nghĩa luật pháp giữa các vùng sẽ khác nhau, gây khó khăn cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ năm, tình hình chính trị Ấn Độ chưa thực sự ổn định. Ví dụ, một số công ty nước ngoài đã thể hiện sự quan tâm đến một thành phố thông minh mới, Amaravati, thủ phủ của bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ, nhưng với sự thay đổi của chính quyền ở tỉnh đó, mọi thứ dường như đã chuyển sang một hướng hoàn toàn khác.
Thứ sáu, các cửa khẩu và cảng biển, cảng hàng không sẽ cần được tân trang lại. Sáng kiến Sagarmala đầy tham vọng của Ấn Độ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong những năm tới. Điều này sẽ bộc lộ toàn bộ tiềm năng của bờ biển và đường thủy của Ấn Độ. Ở khu vực lân cận của Ấn Độ, Bangladesh đang chuẩn bị xây dựng Cảng biển sâu Matarbari với sự giúp đỡ từ Nhật Bản, nơi sẽ có năng lực tiếp nhận các tàu có sức chứa 8.000 TEU (đơn vị tương đương 20 feet). Hiện tại, cảng biển lớn nhất ở Bangladesh không thể tiếp nhận các tàu sức chứa hơn 2.000 TEU.
Thứ bảy, chính quyền trung ương và chính phủ sẽ phải đảm bảo cung cấp điện ổn định. Một số vùng ở Ấn Độ chưa đảm bảo được điều đó. Luật lao động cũng cần được nới lỏng và đặc khu kinh tế cần được thiết lập. New Delhi nên xem xét nhận sự giúp đỡ từ các quốc gia như Nhật Bản - các chuyên gia về hậu cần chuỗi cung ứng.
Ấn Độ sẽ phải gây ấn tượng với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các công ty khác để tận dụng thị trường nội địa rộng lớn và vị trí thuận lợi của họ, để chuyển chuỗi cung ứng của các công ty này sang Ấn Độ. Một chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn sẽ hữu ích cho điều đó.
Mặc dù Ấn Độ đã cải thiện nhiều trong chỉ số dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, thì vẫn còn quá sớm để Ấn Độ giành được "vòng nguyệt quế".
Trong Báo cáo Kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ được xếp hạng thứ 63 trong số 190 nền kinh tế, một bước tiến lớn từ vị trí thứ 142 năm 2014, khi ông Modi nhậm chức.
Tất cả những vấn đề này sẽ phải được giải quyết nhanh chóng, vì có nhiều quốc gia khác cũng đang chạy trên cuộc đua này. Ngay cả trước Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng đã chuyển ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, Bangladesh và Thái Lan.
Ấn Độ cũng đã cho thấy sự tiến bộ, khi Tập đoàn công nghệ Foxconn (chính thức được gọi là Hon Hai Precision Industry) sản xuất iPhone X ở đây, rời đi từ Trung Quốc. Foxconn vận hành hai nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ. Để hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, Boeing và Tata cũng có một liên doanh ở Ấn Độ, điều này sẽ cho phép nước này xuất khẩu các hệ thống vũ khí trong tương lai. Chính phủ cũng cần ưu tiên một số lĩnh vực như phụ tùng ô tô và công nghiệp phụ trợ để tận dụng nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu.
Nguồn: Cafef.vn