Logistics miền Trung: Cần làm gì để mở rộng mạng lưới ?

Với vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của các hành lang vận tải Bắc - Nam và Đông – Tây, vùng duyên hải miền Trung sở hữu các cảng biển nước sâu, mạng lưới các sân bay mới và hệ thống đường sắt. Khu vực này có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia và khu vực, kết nối hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây của Việt Nam và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá: chi phí logistics tại Việt Nam khá cao, ở mức gần 20% GDP, đang cộng thêm vào chi phí giao dịch của các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng của Việt Nam. Do đó, "Việt Nam cần ưu tiên phát triển logistics trong Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025", ông Andrew Jeffries nhấn mạnh. 

ĐẦU TƯ DÀN TRẢI, QUY MÔ NHỎ LẺ

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển dịch vụ vận tải, logistics và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Tại hội thảo tham vấn về nghiên cứu phát triển vận tải và logistics khu vực duyên hải miền Trung do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với ADB tổ chức, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho hay, về logistics, chỉ số hoạt động logistics (LPI) 2018 của Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra, tăng 25 bậc so với hạng 64/160 của năm 2016. Tất cả 6 tiêu chí đánh giá LPI đều tăng vượt bậc. Trong khu vực ASEAN, chỉ số LPI của Việt Nam xếp thứ 3, đứng sau Singapore và Thái Lan.

Ông Sang chỉ rõ, "chính sách quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải và logistics từng bước hoàn thiện, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thông qua việc đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, chủ động hội nhập, hợp tác phát triển năng lực vận tải quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu". Vùng duyên hải miền Trung có vị trí chiến lược nằm giữa trục đường từ Bắc vào Nam, có tiềm năng trở thành trung tâm logistics cấp vùng, kết nối hành lang kinh tế Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hiện nay, nhiều tỉnh ven biển miền Trung đang tập trung kêu gọi và thu hút các dự án về cảng biển, trung tâm logistics như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng... Khu kinh tế Vũng Áng là một trong chín khu kinh tế ven biển được Chính phủ lựa chọn để phát triển trung tâm công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung. Tính tới cuối tháng 8/2020, Khu kinh tế Vũng Áng thu hút 141 dự án. Trong đó, 84 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đăng ký 48.472,9 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đăng ký 13.586,3 triệu USD. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, cầu cảng, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, phát triển hậu thép...

Là "bến đỗ" đầy triển vọng khu vực ven biển miền Trung, ngày càng nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia, như Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ... đã tới Khu kinh tế Vũng Áng để khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhiều tập đoàn đề xuất nghiên cứu khảo sát xây dựng một tổ hợp cảng biển, trung tâm logistics quy mô lớn, kết nối Cảng biển Vũng Áng với các cảng biển quốc tế.

Không chỉ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với đầy đủ các loại hình, đầu mối giao thông quan trọng, Cảng Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với sự phát triển của hành lang kinh tế Đông - Tây, thúc đẩy dịch vụ logistics ngày càng gia tăng. Trước năm 2014, Cảng Đà Nẵng có chiều dài cầu cảng hạn chế, tàu container phải xếp hàng chờ 6 - 8 tiếng. Sau khi cổ phần hóa, cảng tập trung nâng cấp hạ tầng cầu cảng, phát triển dịch vụ container. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2014 - 2018 là hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 4 lần giai đoạn 5 năm trước đó. Phát huy vai trò trung tâm của thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng sẽ xây dựng mới Cảng Liên Chiểu là cảng vận tải, Cảng Tiên Sa sẽ là cảng du lịch, khai thác lợi thế của mình.

Tuy nhiên, phát triển với 20 cảng biển lớn, nhỏ nhưng tổng sản lượng hàng qua cụm cảng của vùng chỉ chiếm thị phần nhỏ của cả nước. Các cảng miền Trung chỉ mới hoạt động mang tính chất gom hàng, sau đó, vận chuyển đến các cảng ở Hải Phòng hoặc Tp.HCM để xuất hàng. Do mật độ cảng biển dày đặc, nguồn vốn đầu tư dàn trải, quy mô đầu tư nhỏ lẻ, thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn, đặc biệt là các bến cho tàu container vận hành trên tuyến biển xa. Một vấn đề đặt ra là cần đầu tư gắn cảng biển với vận tải đa phương thức để hệ thống cảng phát triển bền vững, giúp cho chi phí logistics được kéo giảm.

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong trung và dài hạn là làm thế nào để duy trì mức độ ngoại thương cao và làm thế nào để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao để hỗ trợ các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh này, việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics hiệu quả vô cùng quan trọng để Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh thương mại và đầu tư".

ÔNG ANDREW JEFFRIES GIÁM ĐỐC QUỐC GIA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB) TẠI VIỆT NAM

MUỐN CẢI THIỆN PHẢI TĂNG TÍNH KẾT NỐI

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, để cải thiện hiệu quả hoạt động logistics của vùng duyên hải miền Trung, điều cấp thiết là phải phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, các cảng nội địa (ICD), các bến xe tải và trung tâm dịch vụ logistics. Đồng thời, xây dựng những chính sách tạo thuận lợi cho kết nối các phương thức vận tải, vận tải qua biên giới.

Đánh giá tình hình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và logistics, kế hoạch phát triển và các hoạt động cần triển khai tại khu vực miền Trung, ông Phạm Thanh Tùng, Tư vấn cao cấp ADB cho biết, ADB đang nghiên cứu về khung phát triển vận tải và logistics ở vùng duyên hải miền Trung, Việt Nam để tăng cường vận tải qua biên giới và vận tải đa phương thức tại khu vực miền Trung, xác định các dự án phát triển giao thông vận tải và logistics để ADB có thể hỗ trợ. Trong đó, chú trọng tới nâng cấp hạ tầng, các khu vực cần nâng cao hoạt động dịch vụ logistics và các biện pháp phát triển mạng lưới logistics tích hợp phục vụ cho các tỉnh cũng như toàn bộ khu vực. Triển khai các biện pháp tăng cường dịch vụ giao thông vận tải và logistics tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp nâng cao thuận lợi thương mại, cải tiến các quy định và thể chế, các mô hình sáng kiến về tài chính.

Trên cơ sở các kết quả khảo sát, ông Phạm Thanh Tùng kiến nghị các giải pháp chính để phát triển vận tải và logistics khu vực. Cụ thể, nâng cao mạng lưới logistics với việc phát triển một cảng nước sâu quy mô lớn, bố trí hệ thống đa cảng biển và nhiều cổng ra vào. Tiến hành cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay. Thúc đẩy phát triển cảng cạn, trung tâm logistics, các bãi xe tải và cơ sở logistics. Cải thiện về các qui định và thể chế trong lĩnh vực này.

Ông Tùng chỉ rõ, cần chuyển dịch phương thức vận tải từ đường bộ sang hàng hải và đường sắt. Tiến hành sớm việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, đặc biệt cần bố trí thêm các ga tránh và ga hàng hóa. Về hạ tầng cảng biển, do Cảng Đà Nẵng, Tiên Sa sắp vượt ngưỡng năng lực cảng, vì vậy, cần gấp rút phát triển thêm cảng container mới tại khu vực này. Đồng thời, xây dựng đường cao tốc nối với các cảng biển nhằm thúc đẩy có hiệu quả vận tải tuyến hành lang Đông - Tây và hỗ trợ các nhà vận chuyển, chủ hàng chọn được cảng biển thuận tiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Cần sớm đầu tư xây dựng ga hàng hóa cảng hàng không để phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng.

Chat qua zalo