Luật chồng chéo, dự án bất động sản bất động
Ngày:04/03/2020 02:14:07 CH
Tại Hội nghị trao đổi những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản (BĐS) do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp nêu hàng loạt khó khăn đang ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, sâu xa hơn là nguồn cung của thị trường BĐS.
Vướng mắc luật và thủ tục hành chính
Thời gian qua, việc phải chịu tác động từ các thông tin siết chặt tín dụng vào lĩnh vực BĐS cộng với việc siết chặt thủ tục hành chính từ thành lập dự án đến khi hoàn thiện, khiến thị trường có dấu hiệu trì trệ.
Tình trạng này không chỉ tạo nên những rủi ro cho các doanh nghiệp, mà còn gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi chính sách.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest cho biết, trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn nhất, bởi đang bị chi phối bởi 10 loại luật và thủ tục hành chính "như một ma trận vây doanh nghiệp".
Đơn cử, trong Luật Đất đai có quy định hệ số đền bù do cấp tỉnh quy định, mà mỗi tỉnh lại quy định một hệ số khác nhau: Phú Thọ là 1:1 nên người dân chỉ được lấy lại số tiền rất thấp 150.000 đồng/m2, trong khi Thái Nguyên gấp 4 lần, Bắc Giang gấp 6 lần..., gây nên sự bất cập trên mặt bằng giá đất.
Hoặc Luật Nhà ở cho phép một dự án bán nhà ở cho người nước ngoài là 30%, nhưng trong Luật Kinh doanh BĐS có quy định tất cả các sản phẩm dự án nhà ở phải liên quan đến quyền sử dụng đất mà Luật Đất đai thì không cho phép người nước ngoài được sở hữu đất.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc FLC chia sẻ, hiện doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn về vấn đề pháp lý. Nếu không giải quyết được sự chồng chéo của các luật thì rất khó để khơi thông được hàng loạt dự án BĐS đang bị tắc nghẽn.
Đơn cử như Thông tư 03 của Bộ Xây dựng yêu cầu đối với một dự án có nhiều công trình độc lập, quy mô lớn đều phải thẩm định xây dựng, khiến kéo dài thời gian làm thủ tục đối với doanh nghiệp.
Hoặc một vướng mắc khác liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng: mặc dù đã có phê duyệt quy hoạch 1/500 cũng như đã có thẩm định thiết kế thi công nhưng vẫn phải xin cấp phép đến từng hạng mục một, đơn giản như cổng chào cũng phải xin giấy phép xây dựng. Nếu để làm hết được các thủ tục xây dựng thì mất khoảng 2 năm.Mong chờ giảm thuế và lãi suất
Một trong những khó khăn lớn được các doanh nghiệp đề cập là vấn đề vốn. Qua thực tế những đợt mở bán BĐS của Eurowindow Holding vừa qua không có nhiều khách hàng tham dự, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Tổng giám đốc Eurowindow cho biết, không phải ngẫu nhiên Thủ tướng có chỉ đạo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp ở thời điểm này. Đặc biệt khi thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19.
“Ở góc độ doanh nghiệp tham gia thị trường, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng như giảm thuế, giảm lãi suất vay cùng những chính sách liên quan để tạo ra điểm đến an toàn cho khách du lịch”, bà Chi nói.Trong khi đó, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long chia sẻ, phân khúc nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn vì chủ đầu tư và khách hàng đều không được vay vốn. Do đó, doanh nghiệp cần được Chính phủ có ý kiến chỉ đạo để các ngân hàng thương mại có cơ chế miễn lãi và hỗ trợ lãi suất.
Năm 2019, tại Tp. HCM có 47 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, còn tại Hà Nội là 58 dự án. Ngoài ra, hiếm dự án được triển khai mới và không ít dự án đang thi công cũng bị dừng tiến độ, thậm chí một số dự án đang đi vào bàn giao cũng bị tạm hoãn. Lượng sản phẩm được chào bán ra thị trường giảm mạnh, kéo theo sự chững lại về giao dịch. |
Hiện tại, Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long đang tham gia phát triển 4 toà nhà ở xã hội, nếu các ngân hàng thương mại có cơ chế miễn lãi và hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp sẽ tự tìm đến ngân hàng vay vốn để tiếp tục phát triển các dự án phục vụ những người thu nhập thấp.
Bổ sung thêm, bà Hương Trần Kiều Dung góp ý, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường BĐS đã kết thúc từ năm 2016. Hiện tại, thị trường đang trong giai đoạn khó khăn mong chờ những nguồn vốn hỗ trợ mới, gói tín dụng mới để có thể bình ổn.
Qua ý kiến của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, phải phân biệt rõ 2 vấn đề: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, mà cụ thể là nhà ở xã hội.
Về vấn đề vốn cho nhà ở xã hội, ông Ninh đề nghị doanh nghiệp nêu thêm ý kiến để kiến nghị tới Chính phủ. “Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp và sẽ chấp bút ghi nhận để tập hợp và báo cáo lên lãnh đạo Bộ”, ông Ninh nhấn mạnh.
Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn