Lý do nào khiến các tập đoàn lớn nhất thế giới thuê CEO người Ấn Độ?
Ngày:24/02/2020 11:01:14 SA
Từ Google, Microsoft, Mastercard cho tới gần đây là IBM và We Work đang 'bắt trend' thuê CEO Ấn Độ.
Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm cá nhân của Mitra Kalita - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các mục Tin tức, Quan điểm và Tin học tại CNN Digital. Nữ lãnh đạo gốc Ấn này đồng thời là tác giả của 2 cuốn sách về di cư đến Mỹ và về toàn cầu hoá.
IBM mới đây đã chọn Arvind Krishna làm CEO kế tiếp; không lâu sau đó, WeWork cũng bổ nhiệm Sandeep Mathrani vào vị trí giám đốc điều hành. Theo giới truyền thông, ngày càng nhiều CEO gốc Ấn góp mặt trong các tập đoàn lớn trên thế giới. Ông lớn công nghệ Google cũng không nằm ngoài 'hiện tượng' này.
Dưới đây là vài ví dụ tiêu biểu mà tôi biết đến:
Shantanu Narayen, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Adobe Sundar Pichai, Giám đốc tập đoàn Alphabet
Satya Narayana Nadella, Giám đốc Microsoft
Rajeev Suri, Giám đốc Nokia
Vasant Vas Narasimhan, Giám đốc Novartis
Ajaypal Ajay Singh Banga, Giám đốc Mastercard
Niraj Shah, Giám đốc Wayfair
Sanjay Mehrotra, Giám đốc Micron
George Kurian, Giám đốc NetApp
Nikesh Arora, Giám đốc Palo Alto Networks
Dinesh C. Paliwal, Giám đốc tập đoàn Harman International Industries
Còn rất nhiều người góp mặt trong danh sách này mà tôi không thể kể hết. Dù lớn lên tại Ấn Độ hay nhập cư tại Mỹ, họ đều được thửa hưởng nhiều thói quen, kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước.
Bài viết này không khẳng định người Ấn Độ xuất sắc hay thành đạt hơn các dân tộc khác. Trái ngược với điều đó, tôi cho rằng các yếu tố bên ngoài đã góp phần tạo nên 'xu hướng' doanh nghiệp thuê CEO Ấn Độ. Điều này nói lên hiện trạng công sở Mỹ - môi trường làm việc toàn cầu với các đột phá công nghệ, nơi hội tụ những nhà lãnh đạo xuất xắc nhất.
Dưới đây là 9 yếu tố mà tôi cho rằng chúng ta đều có thể học được từ những CEO người Ấn Độ:
1. Chấp nhận biến cố
Doanh nghiệp đều phải phải đối mặt với biến cố tại thời điểm nào đó. Hãy nhìn vào Ấn Độ hiện tại, đất nước tỷ dân với hàng chục ngôn ngữ, cơ sở hạ tầng không đồng nhất. Người dân nơi đây đối mặt biến cố trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả việc liệu họ có nước đánh răng vào mỗi sáng. Nhưng họ vẫn kiên trì, chấp nhận bất cứ điều gì vượt ngoài tầm kiểm soát. Điều này giúp người Ấn có khả năng thích nghi và kiên nhẫn với quá trình tồn tại của công ty.
2. Quan sát mọi lúc mọi nơi
Khả năng dự đoán yếu tố tạo nên thị trường là kỹ năng thiết yếu của người lãnh đạo. Người Ấn Độ luôn quan sát, nắm bắt thông tin và tạo kế hoạch B trong vô thức (đó là khi chúng tôi không có nước để đánh răng.)
Giám đốc điều hành WeWork, Mathrani - từng là nhân vật kỳ cựu trong giới bất động sản, nhận định về tương lai trung tâm thương mại Mỹ như sau: "Bạn ngồi đó và nghĩ: OK, nếu có 1.100 trung tâm trong nước thì tương lai ngành này sẽ đi về đâu?", ông trả lời phỏng vấn với CNBC. "Nếu con số đó là 800, bạn muốn sở hữu bao nhiêu phần trăm? Tôi thấy các trung tâm thương mại hoạt động tốt sẽ vẫn phát triển và đối thủ cạnh tranh kém hơn sẽ dần biến mất."
Nhận định tuy không có gì mới mẻ nhưng lại chỉ ra mấu chốt của vấn đề: Chiến lược tốt nhất để doanh nghiệp tồn tại là khi họ biết cách kết hợp dữ liệu với điều kiện thị trường.
3. Tất cả quy về tỷ lệ và số liệu
Điều này không thể hiện rằng người Ấn Độ giỏi toán (điểm toán của tôi chưa bao giờ cao hơn 6). Hãy nhìn nhận vấn đề theo cách này: "Khi bạn lớn lên ở đất nước 1 tỷ dân, mọi thứ đều quy về tỷ lệ; từ việc trúng tuyển mẫu giáo đến đại học; thứ hạng của bạn trong lớp; của lớp bạn so với lớp khác; đợt thi tuyển công chức nhà nước; 'trúng số' visa để ra nước ngoài." Tôi luôn ngưỡng mộ anh em họ khi còn bé vì họ luôn xuất sắc mọi trong thứ để tạo ra cơ hội cạnh tranh tốt nhất của chính mình.
Với 'trí thông minh dữ liệu', một người đã có thể giành được vị trí quan trọng trong tầng lớp lãnh đạo mà chưa cần đề cập đến kỹ năng cần có ở CEO hiện đại. Thật trùng hợp khi ít nhất 3 người nằm trong danh sách tôi đã đề cập (Pichai, Arora và Krishna) là sinh viên tốt nghiệp Học viện Công nghệ Ấn Độ uy tín, nằm trong nhóm trường tỷ lệ trúng tuyển dưới 2%.
4. Giáo dục, đặc biệt là STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học)
Trung tâm nghiên cứu PEW cho biết dân nhập cư Ấn Độ là một trong những người có trình độ học vấn cao nhất ở Mỹ; 77,5% có bằng cử nhân hoặc cao hơn vào năm 2016 - tỷ lệ cao nhất của bất kỳ quốc gia nào tại đây - so với 31,6% người Mỹ bản địa. Vài thập kỷ qua, sinh viên nước ngoài đã lấp dần số ghế còn trống trong các ngành khoa học máy tính và kỹ thuật tại Mỹ. Những kỹ năng trong ngành này được các công ty săn đón, không chỉ mỗi giới Big Tech (Apple, Microsoft, Facebook, Alphabet và Amazon).
5. Văn hóa làm việc gia đình và 'bố mẹ trực thăng'
'Bố mẹ trực thăng' dùng để ám chỉ những bậc phụ huynh luôn quan tâm, can thiệp quá mức đến đời sống con cái. Khi Indra Nooyi nhận chức CEO tại PepsiCo, nhiều người đã đến thăm mẹ bà ở Ấn Độ để chúc mừng. Nhờ việc này, bà nảy ra ý tưởng gửi thiệp cảm ơn đến bố mẹ của những nhân viên xuất sắc trong PepsiCo. Vị cựu CEO chia sẻ: "Tôi là kết quả của chính sự giáo dục của mình và nhận ra mình chưa bao giờ cảm ơn bố mẹ đồng nghiệp về những điều tốt đẹp mà con cái họ đã làm cho công ty."
Cha mẹ thế hệ Millennial có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của con họ. Chẳng hạn các công ty Ấn Độ có văn hoá hoà nhập gia đình và công việc, họ chào đón đồng nghiệp đến dự đám cưới em gái của mình, làm mờ ranh giới giữa gia đình và công việc trước khi điều này trở thành xu hướng tại các nước phương Tây.
6. Đa dạng
Sự đa dạng trong lực lượng lao động và lãnh đạo doanh nghiệp đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khảo sát của Deloitte (cũng được điều hành bởi người Ấn) cho thấy 69% nhân viên tin rằng môi trường làm việc sẽ thú vị hơn dưới ban lãnh đạo đa dạng so với 43% có ý kiến ngược lại.
Những CEO trong danh sách này được coi là trường hợp ngoại lệ so với điều bạn thường thấy trong nơi công sở. Vài nghiên cứu cho thấy người châu Á rất có năng lực trong các công ty công nghệ, tuy nhiên họ hiếm khi nằm trong danh sách lãnh đạo. Nghiên cứu gần đây của các công ty công nghệ chỉ ra tỷ lệ thành công của người Mỹ gốc Á cao hơn so với người Mỹ da trắng. Điều này phần nào mở ra cơ hội chấm dứt nạn phân biệt đối xử, chế độ đãi ngộ, lương thưởng công bằng.
Phần lớn người Ấn Độ có thể chuyển tới Mỹ nhờ vào Đạo luật Di trú và Quốc tịch năm 1965, được tạo ra khi phong trào Dân quyền trỗi dậy, nhằm xoá bỏ hạn ngạch và phân biệt chủng tộc. Khi người Ấn leo lên bước thang nghề nghiệp, họ đã góp phần đại diện cho các nhóm dân tộc thiểu số tại Mỹ.
7. Tính 'nguyên bản'
Chúng ta đang ở trong thời đại cần tính xác thực cao, do sự xuất hiện của mạng xã hội như Twitter cũng như mọi người đang quan tâm vào giá trị, bản chất của một người lãnh đạo hơn là một cá tính thu hút.
Nooyi nhớ lại dung hoà nguồn gốc bản xứ khi trở thành lãnh đạo trên đất Mỹ. Bà kể lại việc đến Mỹ năm 1978 cũng với nỗi nhớ bộ môn cricket tại quê nhà và thay thế vào chỗ trống đó là bóng chày, cụ thể hơn là đội Yankee. "Tôi phát hiện ra ngôn ngữ kinh doanh cũng là bộ môn thể thao", bà chia sẻ trong buổi phỏng vấn, "mọi người trong kinh doanh phân tích cuộc chơi và nếu chúng tôi không phải một phần của quá trình, chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Vì vậy, tôi kết hợp tình yêu dành môn cricket cho đội Yankees khi đặt chân đến đây."
8. Thời gian là quý giá và vô hạn
Khi chuyển đến Ấn Độ vào năm 2006, tôi phát hiện ra khái niệm thời gian đồng bộ và cách áp dụng nó tại nơi làm việc. Người Mỹ thường nhìn nhận thời gian theo cách tuần tự, trắng đen, cuộc sống và công việc. Khái niệm nhìn nhận thời gian khác nữa là: "Cách chúng ta quan sát thời gian trôi qua; có phải một chuỗi sự kiện xảy ra liên tiếp hay đồng thời. Quá khứ, hiện tại và tương lai có điều liên quan đến nhau?"
Satya Nadella, CEO của Microsoft cũng có cái nhìn về thời gian như vậy, ông chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Australian Financial Review: "Những gì tôi thực sự quan tâm và cố gắng thực hiện là dung hoà sở thích cá nhân và công việc. Tôi xem Microsoft như nền tảng để theo đuổi đam mê. Với tôi mà nói, không còn hình thức thư giãn nào tuyệt vời hơn."
9. Trọng dụng nhân tài
Ít ai có thể ngờ rằng một người nhập cư Mỹ lại trở thành CEO của công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Đây được cho là triết lý trong cách làm việc của Mỹ. Đơn giản mà nói, đó là câu chuyện khó tin và cũng là nguyên lý của chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ được thị trường, nhà đầu tư, nhân viên luôn tin tưởng. Chính vị CEO này chấp nhận và khẳng định. "Tôi thấy vinh dự khi mình được trao nhiều cơ hội tốt và gặp nhiều may mắn đến như vậy," ông nói với nhóm nhân quyền phi lợi nhuận. "Thế nên giấc mơ Mỹ không phải chuyện trong cổ tích."
Thật vậy, và có lẽ các CEO Ấn Độ đã biến chúng thành hiện thực.
Nguồn: https://cafef.vn/