M&A BĐS CÔNG NGHIỆP ĐANG TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ
Ngày:28/07/2021 05:42:31 CH
Thị trường chứng kiến hàng loạt các giao dịch mua bán sáp nhập giá trị cao của các đơn vị hàng đầu dịch vụ hậu cần.
Theo Savills, 6 tháng đầu năm nay mặc dù dịch bệnh có diễn biến xấu đi tuy nhiên các giao dịch về mua bán và sáp nhập M&A dường như đang đi theo hướng ngược lại.
Tiêu biểu có thể kể đến giao dịch có giá trị tài sản lên đến 141 triệu USD bao gốm diện đất khoảng 840.000 m2, diện tích cho thuê khoảng 550.000 m2 của công ty Công ty TNHH Boustead Projects. Đơn vị này đã thỏa thuận mua lại 49% cổ phần của công ty Logistics KTG & Boustead, và nếu thành công thì thương vụ này sẽ mang lại 13 bất động sản (10 bất động sản trong số đó thuộc về KTG và 3 thuộc về Boustead Projects).
Tại khu công nghiệp Mỹ Phước 4, một sự hợp tác giữa 2 ông lớn là: ESR Cayman Limited - Đại gia bất động sản hậu cần đứng TOP đầu tại Châu Á Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW) có thị phần trong mảng phát triển và vận hàng bất động sản công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Hai doanh nghiệp cũng đã bắt tay cùng phát triển quỹ đất lên đến 240.000m2.
Đây là cái bắt tay mở màn cho việc ESR chính thức bước chân vào nền công nghiệp tại Việt Nam, xa hơn là thị trường Đông Nam Á đang ngày càng phát triển rầm rộ.
Đối với các dự án mới, vào quý IV năm nay dự kiến Logos Property sẽ cho đi vào chính thức hoạt động 81.000m2 tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Tiếp đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - một nhà đầu tư khá mới trên thị trường, đơn vị này đã bỏ ra 300 triệu USD để sở hữu quý đất rộng 250ha. Với danh mục các dự án đầu tư xuất hiện trên nhiều tỉnh thành cả nước, công ty đưa ra mục tiêu phát triển cung cấp kho bãi ở phân khúc cao cấp và bền vững phát triển tại thị trường Việt Nam.
Ngoài các thương vụ về M&A, vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp nước ta trong nửa năm 2021 cũng tăng đáng kể. Nếu xét theo khu vực thì miền Bắc đang đứng đầu với số vốn FDI chiếm đến 64% thị phần, khu vực Miền Nam chiếm 23% thị phần và cuối cũng là Miền Trung với 13% thị phần. Còn xét chi tiết hơn về các tỉnh, đứng vị trí số 1 hiện đang là Bắc Giang với số vốn đăng ký mới là 589 triệu USD, xếp thứ 2 là Quảng Ninh với 569 triệu USD, thứ 3 là Bắc Ninh với 222 triệu USD và tỉnh nổi bật cuối cùng là Bình Dương với 208 triệu USD.
Tuy nhiên, dù có nhiều khởi sắc nhưng với tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp và rất có thể trong 6 tháng cuối năm sẽ bùng phát mạnh. Nếu không thể kiểm soát được dịch bệnh thì khả năng cao những tín hiệu tích cực trên sẽ chuyển biến theo hướng xấu đi.
Thêm nữa một số chuyên gia nhận định việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang còn gặp một số khó khăn như cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp còn chưa đồng bộ, chi phí logistics, cơ chế và một số quy định pháp luật còn chưa cạnh tranh so với các nước khác. Nếu những vấn đề này được giải quyết thì sẽ giúp Việt Nam trở thành thị trường vô cùng tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như có nền móng để phát triển công nghiệp bền vững.