Mirae Asset đánh giá tích cực triển vọng ngành BĐS Khu công nghiệp, ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp có quỹ đất

Mirae Asset cho rằng những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê hoặc có thể mở rộng quỹ đất mới trong năm 2021 sẽ là những doanh nghiệp sáng giá của ngành. Các doanh nghiệp đang có quỹ đất sẵn sàng cho thuê và sẽ tiếp tục có thêm quỹ đất trong năm 2021 đáng chú ý có thể kể tới BCM, IDC, KBC, SZC.

Theo báo cáo được công bố, CTCK Mirae Asset đã đưa ra những triển vọng tích cực với ngành BĐS Khu công nghiệp Việt Nam.

Việt Nam đang có nền kinh tế mở, hỗ trợ mạnh cho việc thu hút FDI

Theo báo cáo, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Tính đến nay, nền kinh tế Việt Nam hiện đang có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia trên thế giới thông qua việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) hiện có 164 thành viên, 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 57 quốc gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa Việt Nam với 10 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương bao gồm: Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia.

Mirae Asset cho rằng việc tích cực tham gia các hiệp định thương mại đã giúp Việt Nam thu hút FDI liên tục trong những năm gần đây. So với năm 2006, thu hút FDI năm 2019 đã tăng hơn 3 lần, từ mức 12 tỷ USD lên 38 tỷ USD. Dịch Covid-19 đã có tác động tiêu cực đến hoạt động thu hút FDI trong giai đoạn nửa đầu năm, tuy nhiên đã có dấu hiệu hồi phục trong nửa cuối năm giúp tổng thu hút FDI 11 tháng năm 2020 đạt hơn 26,4 tỷ USD, vượt mức thu hút của cả năm 2018.

Theo khảo sát vào tháng 5/2020 của Phòng Thương mại Australia tại ASEAN (AustCham), doanh nghiệp Australia cho rằng Việt Nam là điểm đến có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để mở rộng đầu tư kinh doanh, vượt qua cả những đối tác đầu tư truyền thống khác của Australia như Singapore hay Malaysia. Việt Nam cũng được xếp hạng 25/60 quốc gia hấp dẫn nhất trên thế giới về thu hút FDI do Công ty IHS Markit (Anh) và Đại học Tennessee (Mỹ) đánh giá. Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đã vượt qua cả những nước thu hút FDI mạnh ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và Philippines….

Kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam đang là điểm đến của làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc

Việt Nam được biết đến nhiều hơn nhờ việc đã ngăn chặn đại dịch Covid-19 một cách quyết đoán và nhanh chóng, nhờ đó thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trong ASEAN và thuộc số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế như ADB, IMF và WB, năm 2020 chỉ 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người, đó là: Việt Nam, Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc.

Với mức tăng trưởng GDP năm 2020 được dự báo ở mức 2,4%, Việt Nam vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Ảnh hưởng của đại dịch và các chính sách thuế quan của Mỹ khiến nhiều nhà sản xuất đa quốc gia đẩy mạnh sự dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Vốn được đánh giá cao về tính an toàn và ổn định về chính trị, kinh tế, những thành tựu kể trên đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến trong xu hướng dịch chuyển này.

Các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê tích cực gia tăng quỹ đất

Nhu cầu thuê đất gia tăng kéo theo sự chạy đua phát triển quỹ đất công nghiệp của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp. Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (liên doanh giữa Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus LLC – Mỹ) đã nâng tổng diện tích quỹ đất công nghiệp lên 500 ha tại 10 địa điểm ở các thành phố lớn từ 209 ha trong nửa đầu năm 2018. Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup, có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu USD vào công ty con là CTCP Đầu tư Phát triển KCN Vinhomes. Hai dự án đầu tiên của Tập đoàn sẽ phát triển tại Hải Phòng, bao gồm Khu công nghiệp Nam Tràng Cát với tổng diện tích 200 ha; và KCN Thủy Nguyên có tổng diện tích 319 ha. Dự kiến hai KCN sẽ đi vào hoạt động năm 2021.

Trong Q4/2021, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh mới với quy mô 238 ha của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) sẽ mang lại nguồn cung cần thiết cho tỉnh Bắc Ninh. Trong cùng quý này, TNI Holdings Việt Nam sẽ khai trương KCN Sông Lô 1 với diện tích 177 ha tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tại tỉnh Long An ở phía Nam, Công ty cổ phần TIZCO và Công ty Cổ phần Quản Lý KCN Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) sẽ tham gia đầu tư góp vốn vào Khu công nghiệp Việt Phát với tổng diện tích 1.800 ha vào năm 2021.

Dù có nhiều thuận lợi, tuy nhiên Mirae Asset cũng lưu ý một số tồn tại với ngành BĐS Khu công nghiệp Việt Nam như các địa bàn trọng yếu có nguy cơ thiếu hụt quỹ đất phát triển công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh…Bên cạnh đó, thời gian và chi phí thông quan, chi phí logistic của Việt Nam vẫn cao hơn các quốc gia trong khu vực.

Về lựa chọn cổ phiếu đầu tư, Mirae Asset cho rằng những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê hoặc có thể mở rộng quỹ đất mới trong năm 2021 sẽ là những doanh nghiệp sáng giá của ngành. Các doanh nghiệp đang có quỹ đất sẵn sàng cho thuê và sẽ tiếp tục có thêm quỹ đất trong năm 2021 (đã thực hiện đầu tư từ các năm trước) đáng chú ý có thể kể tới BCM, IDC, KBC, SZC.

Chat qua zalo