Mô hình khu công nghiệp thế hệ mới và Sự phát triển của khu công nghiệp
Ngày:30/10/2023 01:04:08 CH
Mô hình Khu công nghiệp (KCN) thế hệ mới sẽ giải quyết một cách đồng bộ ba hoạt động cơ bản của con người là “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi, giải trí”.
1. Mở đầu
Hoạt động quy hoạch và phát triển không gian, nói cho cùng, là để tạo ra các môi trường nhân tạo nhằm giải quyết đồng bộ và thỏa đáng ba hoạt động cơ bản của con người là “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi, giải trí”. “Sống” liên quan tới các hoạt động nhằm duy trì cơ thể sinh học của con người như ăn, uống, ngủ… “Làm việc” liên quan tới các hoạt động tạo ra của cải vật chất, trực tiếp hay gián tiếp, cho cá nhân, gia đình và xã hội như sản xuất, dịch vụ… “Nghỉ ngơi, giải trí” liên quan tới các hoạt động nhằm đem lại các giá trị tinh thần cho con người như vui chơi, thưởng thức nhệ thuật, ngắm cảnh… Các tiêu chí đánh giá về quy hoạch ở quy mô lớn như cấp vùng, cấp đô thị hay ở quy mô nhỏ như cấp khu nhà ở, điểm dân cư đều nhằm mục đích giải quyết được một cách tốt nhất sự gắn bó hữu cơ giữa ba hoạt động cơ bản này cho con người.
Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quy hoạch, các nhà đầu tư… đã và đang giải quyết ngày càng tốt hơn vấn đề này cho các môi trường ở và môi trường công cộng, tại khu vực đô thị cũng như tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đối với môi trường sản xuất, cụ thể là đối với sự phát triển của các KCN, vấn đề đồng bộ cả 3 hoạt động trên vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.
KCN, mô hình sản xuất công nghiệp tập trung theo kiểu các nước phát triển, đã được áp dụng ở Việt Nam từ năm 1991 (đầu tiên tại KCX Tân Thuận, TP.HCM) và đã nhanh chóng được phát triển rộng khắp cả nước, đem lại những lợi ích kinh tế đáng ghi nhận về thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động… Bên cạnh những thành tựu kinh tế đó, mô hình tập trung sản xuất này đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong mối liên hệ giữa “sống” và “làm việc” của người lao động cũng như trong mối tương tác với các không gian chức năng khác. Điều này tất yếu đã dẫn tới các vấn đề xã hội và phát triển, đe dọa sự bền vững chung. Vì vậy, một mô hình phát triển KCN mới, có thể giải quyết đồng bộ được 3 hoạt động cơ bản “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi, giải trí” của người lao động, là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay tại Việt Nam.
2. Sự phát triển của mô hình KCN trên thế giới
Trên thế giới, mô hình KCN nói riêng và mô hình Business Park nói chung đã phát triển qua 4 thế hệ, được phân biệt rõ dựa trên quy mô, chức năng, tính chất phát triển và tên gọi của chúng.
Thế hệ thứ nhất - Làm việc: Thế hệ thứ nhất bắt nguồn từ mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng, phân chia lô đất cho nhà máy hay kho tàng, tạo cảnh quan và cho thuê. Mô hình này có chất lượng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan thấp với mật độ xây dựng cao và thiếu sức sống vào ban đêm. Phần lớn các KCN Việt Nam hiện nay với mật độ xây dựng cao và phát triển đơn chức năng đều thuộc thế hệ này.
Hình 1. Sự phát triển của mô hình KCN trên thế giới.
Thế hệ thứ hai - Làm việc và cộng đồng: Rút kinh nghiệm từ thế hệ đầu tiên, thế hệ thứ hai đã đưa sức sống của “cộng đồng” bổ trợ cho sự “làm việc” bằng cách bố trí thêm các chức năng thương mại, dịch vụ với hình thức tổ chức không gian kiểu đô thị. Thế hệ thứ hai đang được phát triển ở Việt Nam dưới các tên gọi như KCN xanh, sạch. Thế hệ thứ ba - Các khu đô thị mới: Tiếp nối thành công của thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba được phát triển cao hơn, quy mô lớn hơn theo nguyên tắc của một khu đô thị mới, gồm các công trình công cộng, các khu nhà ở và các khu vực sản xuất, kinh doanh hiện đại. Tại Việt Nam, mô hình thế hệ thứ ba đã được áp dụng cho các khu công nghệ cao (KCNC) như KCNC TP.HCM hay KCNC Hòa Lạc (Hà Nội).
Thế hệ thứ tư - Các đô thị mới: Các văn phòng, công trình nghiên cứu hay sản xuất quy mô lớn đều cần đến rất nhiều đất đai, chuyên gia và lao động tại chỗ. Kết quả là thế hệ thứ tư ra đời như một thực thể độc lập, một đô thị nhỏ mới hay thậm chí một đô thị vệ tinh hiện đại mới. Thế hệ thứ tư này chưa được phát triển ở Việt Nam. Các thế hệ trên đây đã thể hiện rõ mối quan hệ đa chức năng tất yếu giữa “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi, giải trí” trong sự phát triển chung của mô hình KCN.
3. Sự phát triển của mô hình KCN hiện nay tại Việt Nam
3.1. Sự phát triển và mạng lưới các KCN tại Việt Nam hiện nay
Theo thống kê từ các tỉnh thành đến hết tháng 9/2021, số lượng KCN nằm trong và không nằm trong danh mục KCN do Thủ tướng Chính phủ quy định đã vượt trên 510 KCN, trong đó 63% số KCN đã đi vào hoạt động (trên 320 KCN). Mạng lưới các KCN trải rộng trên tất cả các tỉnh thành của đất nước, chủ yếu tập trung tại vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. Các tỉnh và thành phố lớn tập trung nhiều KCN như Bình Dương, Đồng Nai, Long An (>30 KCN), TP.HCM, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh (16 - 20 KCN), Hà Nội, Bình Phước, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Nghệ An (10 - 15 KCN). Các tỉnh còn lại thuộc các vùng Tây Bắc bộ, Đông Bắc bộ, Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung bộ, kể cả ĐBSCL có rất ít KCN.
3.2. Mô hình phát triển KCN tại Việt Nam hiện nay
Từ quy định đầu tiên về KCN vào năm 1991, điều chỉnh, bổ sung vào những năm 1994, 1997, 2008, 2017, 2018, mô hình KCN tại Việt Nam luôn được phát triển theo tính chất đơn chức năng về “làm việc” công nghiệp “chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp”. Mô hình này cũng xác định tính biệt lập trong tổng thể tại đô thị cũng như ở nông thôn khi “có ranh giới địa lý xác định” và “không có dân cư sinh sống”. Cùng với đó, tính chất đơn chức năng “làm việc” của KCN cũng được quy định cụ thể trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng.
Hình 2. Mô hình phát triển KCN tại Việt Nam và trên thế giới.
Chức năng của KCN được quy định chỉ gồm các khu vực sản xuất và phục vụ sản xuất: Nhà máy, kho tàng; Các khu kỹ thuật; Công trình hành chính, dịch vụ, nghiên cứu; Giao thông; và Cây xanh. Với các quy định trên, mô hình KCN của Việt Nam chỉ tương ứng với thế hệ thứ nhất, một số ít các KCN tương ứng với thế hệ thứ hai. Sự thiếu hụt chức năng và đồng bộ giữa “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi, giải trí” là điều không thể tránh khỏi.
3.3. KCN và khu nhà ở cho công nhân KCN tại Việt Nam hiện nay
Để thuận tiện cho cuộc sống, con người luôn có xu hướng thu hẹp khoảng cách giữa nơi “làm việc” và nơi “sống”. Trong quá trình phát triển KCN, các không gian cho hoạt động “sống” - nhà ở cho công nhân luôn có xu hướng phát triển liền kề hay xung quanh không gian “làm việc”
- KCN này một cách tự phát hay có chủ đích. Thực tế phát triển tại Việt Nam cho thấy có hai xu hướng:
a) Hướng phát triển thiên lệch về “làm việc” - sản xuất công nghiệp, thiếu quan tâm đến “sống” và “nghỉ ngơi, giải trí” - khu nhà ở công nhân. Đây là sự phát triển của phần lớn các KCN giai đoạn đầu với quy mô nhỏ và trung bình, chỉ phục vụ lợi ích trước mắt, tiết giảm chi phí đầu tư. Vì thế, một số lượng lớn công nhân ngoại tỉnh phải tự giải quyết nhu cầu “sống” và “nghỉ ngơi, giải trí” của mình bằng cách tự tìm thuê nhà ở gần các KCN. Trước nhu cầu tất yếu đó, các dạng nhà trọ cho thuê với chất lượng ở thấp đã bùng nổ xung quanh các KCN, gây quá tải lên hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của khu vực và gây ra các hệ lụy xã hội nghiêm trọng khác. “Làm việc” vất vả, cường độ cao nhưng “sống” và “nghỉ ngơi, giải trí” tạm bợ, không tương ứng và đáp ứng được nhu cầu, chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất ổn và không bền vững cho cuộc sống của người lao động. Điều này tất yếu dẫn đến sự mất bền vững chung của đô thị.
b) Hướng phát triển đồng bộ KCN và khu nhà ở công nhân hoặc phát triển tự phát khu nhà ở công nhân của các doanh nghiệp riêng lẻ trong KCN. Hướng này được các doanh nghiệp lớn của nước ngoài và Việt Nam chú trọng nhằm giải quyết lợi ích tổng thể lâu dài của doanh nghiệp. Ví dụ như các khu nhà ở công nhân của VSIP tại Bắc Ninh, Bình Dương hay của Samsung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Tuy nhiên, sự phát triển giữa “làm việc” và “sống”, “nghỉ ngơi, giải trí” đang diễn ra này chưa được đặt trong mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ chặt chẽ mà chỉ là sự phát triển của từng chức năng riêng biệt. Yếu tố tạo thị từ “làm việc”.
Hình 3. Mô hình KCN - đô thị - dịch vụ theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP.
- KCN chưa được đặt ra đúng mức và đúng nhu cầu của nó. Trước yêu cầu của thực tiễn, năm 2018, lần đầu tiên khái niệm về mô hình KCN - đô thị - dịch vụ được quy định tại Khoản 3, Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP: “gồm các khu chức năng: KCN là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho KCN (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của khu)” [6]. Quy định này đánh dấu một bước phát triển mới của KCN Việt Nam khi mô hình KCN - đô thị - dịch vụ đã có sự đáp ứng yêu cầu đồng bộ chức năng giữa “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi” của người lao động. Các dự án lớn cho sự phát triển của mô hình mới này ngay sau đó đã được thực hiện như: KCN, đô thị và dịch vụ Becamex Bình Định (Bình Định) năm 2019 với quy mô trên 1.425 ha; KCN - đô thị - dịch vụ Hải Long (Thái Bình) năm 2020 với quy mô 390 ha.
4. Mô hình KCN thế hệ mới - Sự đồng bộ với khu nhà ở cho công nhân KCN
Không thể nằm ngoài sự phát triển chung của thế giới, các KCN thế hệ thứ ba và thứ tư chắc chắn sẽ phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới. Đây là sự phát triển tất yếu nhằm giải quyết thỏa đáng sự phát triển của “làm việc” - KCN và “sống” và “nghỉ ngơi, giải trí” - khu nhà ở cho công nhân KCN. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mặt, một mô hình chuyển tiếp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam sẽ là giải pháp phù hợp.
Cùng với đó, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19, chính sách Trung Quốc +1 của các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước phát triển, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển thông minh… sẽ tác động mạnh tới mô hình KCN chuyển tiếp này.
4.1. Khái niệm KCN thế hệ mới
Dưới tác động của bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển thực tế của Việt Nam, mô hình KCN chuyển tiếp giai đoạn mới, gọi tắt là “KCN thế hệ mới”, có thể được xác định như sau: KCN thế hệ mới là một khu vực phát triển đa chức năng trên nền tảng của sản xuất và dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, TTCN và các chức năng hỗ trợ, dịch vụ tiện ích xã hội đồng bộ khác phục vụ cho sự phát triển trên (như nhà ở, các công trình công cộng, trung tâm nghiên cứu phát triển, đào tạo lao động…). Đây là một “cộng đồng” liên kết cùng tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, hướng tới sự cộng sinh công nghiệp cũng như áp dụng các công nghệ tiên tiến thích hợp trong các hoạt động quản lý, hợp tác, sản xuất, sinh hoạt… nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tổng thể và đảm bảo sự phát triển bền vững chung của cả KCN.
Hình 4. KCN thế hệ mới tại Việt Nam. Trên: Mô hình cơ bản; Giữa: Mô hình đầy đủ; Dưới: Mô hình phát triển
Yếu tố “làm việc” được thể hiện rõ trong các chức năng sản xuất và dịch vụ của cả công nghiệp, TTCN và trong các tiện ích xã hội. Yếu tố “sống” và “nghỉ ngơi” được thể hiện rõ trong các chức năng nhà ở và công trình công cộng - một sự phát triển mới của khu nhà ở cho công nhân KCN.
Bên cạnh đó, yếu tố “cộng đồng” được thể hiện không chỉ ở cộng đồng cư dân trong khu nhà ở cho công nhân mà còn trong sự liên kết của các doanh nghiệp “cùng tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, hướng tới sự cộng sinh công nghiệp”. Việc “áp dụng các công nghệ tiên tiến thích hợp trong các hoạt động quản lý, hợp tác, sản xuất, sinh hoạt” cũng đảm bảo cho KCN bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Như vậy, KCN thế hệ mới có mô hình tương tự như một đơn vị phát triển đầy đủ và đồng bộ (kiểu khu ở) trong cấu trúc chung của đô thị. KCN thế hệ mới là một bộ phận hữu cơ của đô thị nhưng mang tích chất chuyên biệt riêng của sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, được phân định với các khu vực chức năng khác của đô thị bởi các ranh giới “mềm” như đường giao thông, khoảng mở công cộng hay cây xanh cách ly.
4.2. Các khu vực chức năng của KCN thế hệ mới
Dựa trên kinh nghiệm từ các Business Park và các nghiên cứu trước đây về KCN, cơ cấu chức năng của KCN thế hệ mới được tổng hợp trong Bảng 1 dưới đây.
4.3. Mô hình phát triển KCN thế hệ mới KCN thế hệ mới được coi là yếu tố tạo thị và được phát triển qua 3 giai đoạn, từ mô hình cơ bản đến mô hình đầy đủ và mô hình phát triển, được đặc trưng bởi mức độ gắn kết hữu cơ giữa “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi, giải trí” trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm: - Mức độ phát triển đồng bộ giữa sản xuất, dịch vụ cho sản xuất và dịch vụ, tiện ích xã hội; - Mức độ tương tác và đồng bộ giữa sản xuất, dịch vụ và ở trong KCN; - Mức độ linh hoạt và thông minh trong quy hoạch và thiết kế công trình; - Mức độ liên kết để tạo lập cộng sinh công nghiệp; - Mức độ phát triển của kết cầu hạ tầng từ cơ bản đến phát triển.
Mô hình cơ bản: Có sự phát triển hỗn hợp giữa sản xuất, dịch vụ cho sản xuất và một phần ở kèm dịch vụ, tiện ích xã hội cơ bản; Bắt đầu có sự tương tác giữa sản xuất, dịch vụ và ở trong KCN; Bắt đầu có sự phát triển linh hoạt trong sử dụng đất và công trình nhưng chưa có sự phát triển thông minh; Bắt đầu có xu hướng liên kết nhưng chưa tạo lập được cộng sinh công nghiệp; Có đầy đủ kết cầu hạ tầng cơ bản.
Mô hình đầy đủ: Có sự phát triển hỗn hợp giữa sản xuất, dịch vụ cho sản xuất và ở cùng với các dịch vụ, tiện ích xã hội đầy đủ; Bắt đầu có sự tương tác với các khu vực chức năng khác xung quanh, có sự tương tác tốt giữa sản xuất, dịch vụ và ở trong KCN; Có sự linh hoạt trong sử dụng đất hỗn hợp đa chức năng và linh hoạt trong phát triển các công trình, bắt đầu có Trung tâm cơ sở dữ liệu DBC và các nhà máy thông minh; Có xu hướng liên kết, hợp tác tốt và tạo lập được tối thiểu một cộng sinh công nghiệp; Có đầy đủ kết cầu hạ tầng cơ bản và có một số kết cấu hạ tầng phát triển.
Mô hình phát triển: Có sự phát triển hỗn hợp đồng bộ giữa sản xuất, dịch vụ cho sản xuất và ở cùng với các dịch vụ, tiện ích xã hội đầy đủ; Có sự tương tác tốt với các khu vực chức năng khác xung quanh, có sự tương tác tốt giữa sản xuất, dịch vụ và ở trong KCN; Có sự linh hoạt trong sử dụng đất hỗn hợp đa chức năng và linh hoạt trong phát triển các công trình, có các nhà máy thông minh, có Trung tâm cơ sở dữ diệu DBC và bắt đầu phát triển Trung tâm quản lý điều hành thông minh IOC; Có xu hướng liên kết, hợp tác chặt chẽ và tạo lập được nhiều cộng sinh công nghiệp; Có đầy đủ kết cầu hạ tầng cơ bản và kết cấu hạ tầng phát triển.
4.4. Khu nhà ở cho công nhân trong KCN thế hệ mới
Trong môi trường sản xuất, đặc điểm cư trú của công nhân KCN hoàn toàn khác với dân cư trong môi trường ở và môi trường công cộng thông thường. Các đặc điểm nổi bật có thể kể đến gồm: - Sự dịch cư theo thời vụ và mức thu nhập: Nơi ở không ổn định lâu dài, yêu cầu chất lượng ở tăng dần theo sự gia tăng của thu nhập; - Độ tuổi lao động từ 18 đến 35: Giai đoạn lập gia đình, sinh con làm gia tăng nhân khẩu phụ thuộc, nhu cầu kinh tế ngày càng tăng, nhu cầu hoạt động sinh kế cao; - Mức thu nhập thấp và trung bình: Khả năng chi trả cho đời sống, nhà ở và tích lũy thấp, phù hợp với thuê và vay mua nhà dài hạn, luôn có yêu cầu gia tăng thu nhập; - Trình độ tri thức thấp và trung bình kết hợp với văn hóa đa vùng miền: Thiếu sự gắn kết cộng đồng ổn định;
Đa dạng các loại hình nhà ở cho người lao động là yêu cầu đặt ra cho sự phát triển KCN thế hệ mới. Có thể phát triển đa dạng các loại hình nhà ở sau: Chung cư (nhà ở xã hội bắt buộc trong các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo dự án riêng); Nhà liền kề quy mô nhỏ xây sẵn, xây một phần hay tự xây (theo các dự án nhà ở xã hội riêng); Nhà trọ (do người dân tự xây dựng). Với mức thu nhập hạn chế của người lao động, phương thức phát triển nhà ở đa dạng bằng cách kêu gọi vốn cộng đồng cần được quan tâm phát triển.
Bên cạnh đó, khu nhà ở công nhân cần tạo ra sinh kế cho người lao động bằng các giải pháp hỗ trợ đa dạng hóa thu nhập, tạo cơ hội cho chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, hình thành các điểm và tuyến sinh kế cho cư dân.
Cấu trúc khu nhà ở cần đảm bảo sự phát triển của một cộng đồng đa văn hóa bền vững trong mối liên kết chức năng nội tại khu nhà ở, nhóm nhà ở và trong mối liên kết bên ngoài với khu dân cư hiện hữu. Hệ thống hạ tầng xã hội đầy đủ và liên kết sinh kế cũng là một yếu tố gắn kết tạo nên cộng đồng.
Đồng bộ với 3 mô hình phát triển KCN, khu nhà ở cho công nhân KCN cũng được phát triển với 3 mức độ tương ứng: cơ bản; đầy đủ và phát triển. Mức độ cơ bản tương ứng với sự phát triển của nhóm nhà ở với các tiện tích xã hội và hạ tầng tối thiểu của giai đoạn đầu tạo thị. Mức độ đầy đủ tương ứng với sự phát triển của một khu đô thị với các tiện ích xã hội và hạ tầng hoàn thiện của giai đoạn đô thị đang phát triển. Mức độ phát triển tương ứng với sự phát triển của một đô thị nhỏ với các tiện ích xã hội và hạ tầng cao cấp của giai đoạn đô thị đã ổn định và đi vào chiều sâu. Mô hình phát triển KCN, trong đó có Khu nhà ở cho công nhân, theo 3 mức độ phát triển được thể hiện trong.
5. Kết luận
KCN thế hệ mới là sự phát triển tất yếu ở Việt Nam trong giai đoạn mới. Mô hình KCN thế hệ mới này sẽ giải quyết một cách đồng bộ ba hoạt động cơ bản của con người là “sống”, “làm việc” và “nghỉ ngơi, giải trí”. Khi đó, KCN và khu nhà ở công nhân sẽ là một tổng thể hữu cơ gắn kết chặt chẽ trong cấu trúc phát triển chung của đô thị và nông thôn. KCN thế hệ mới được phát triển dựa trên các quan điểm mới về một loạt các vấn đề của sự phát triển và có các đặc trưng phân biệt rõ so với mô hình hiện tại, thể hiện ở các yếu tố: Sự phát triển hỗn hợp; Sự hòa nhập; Sự phát triển linh hoạt và thông minh; Cộng sinh công nghiệp và “cộng đồng”; Kết cấu hạ tầng tiên tiến, đầy đủ và đồng bộ. Khu nhà ở cho công nhân KCN trong đó cũng được phát triển dựa trên các đặc trưng riêng của người lao động về định cư, sinh kế và cộng đồng.
Tùy theo yêu cầu và điều kiện thực tế, ba mô hình KCN thế hệ mới từ cơ bản đến đầy đủ và phát triển sẽ bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận và thực tiến phát triển các KCN tại Việt Nam trong giai đoạn mới.