Mục tiêu hút 28,5 tỷ USD vốn FDI 2021 hoàn toàn khả thi

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ cho tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Nhà máy Intel tại Việt Nam.

Điểm đến của dòng vốn chất lượng cao

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 1, tổng nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt khoảng 2,02 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 1,51 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, một phần không nhỏ những dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, mở ra cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa.

Cụ thể, nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới Intel vừa qua đã công bố đổ thêm 475 triệu USD vào nhà máy tại Việt Nam, nâng tổng số vốn đầu tư của tập đoàn này lên 1,5 tỷ USD.

Vào giữa tháng 1, Foxconn nhận được giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy tại Bắc Giang với tổng số vốn 270 triệu USD. Nhà máy được kỳ vọng sẻ sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm máy tính bảng và máy tính xách tay mỗi năm. Đại diện Foxconn cũng gặp mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để bàn về kế hoạch đầu tư trong tương lai.

Cũng trong tháng 1, Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫ United States Enterprises trị giá 110 triệu USD do Công ty Hayward Quartz Technology INC tại thung lũng Silicon làm chủ sở hữu.

Làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Việt Nam vẫn thể hiện được sức chống chịu mạnh mẽ.

Theo báo cáo của JETRO, 53,9% số doanh nghiệp Nhật tỏ ra tương đối lạc quan với triển vọng hoạt động năm 2021, khẳng định niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam với khả năng khống chế đại dịch, sự ổn định vĩ mô, độ mở của nền kinh tế và đặc biệt là Luật Đầu tư mới đi vào hiệu lực.

Các doanh nghiệp đến từ châu Âu cũng nhận định lạc quan về tình hình hoạt động năm 2021. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), 57% thành viên của tổ chức này đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ được duy trì ổn định và có dấu hiệu khởi sắc trong 3 tháng đầu năm.

Đại diện Eurocham cho biết, các hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là EVFTA đi vào hiệu lực mở ra những thuận lợi mới cho doanh nghiệp FDI. Theo khảo sát, 70% doanh nghiệp châu Âu được hưởng lợi kể từ khi EVFTA đi vào hiệu lực.

Rà soát lại các dự án FDI

Trước những tín hiệu khả quan ngay từ tháng đầu tiên của năm mới, các chuyên gia nhận định, mục tiêu 28,5 tỷ USD vốn đăng ký và 19,9 tỷ USD vốn thực hiện hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI sẽ trở thành trợ lực quan trọng giúp đảm bảo quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, công tác thu hút cũng như quản lý các dự án FDI cũng cần phải được xem xét, điều chỉnh theo hướng giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tối đa lợi thế mà nguồn vốn này đem lại.

Chỉ đạo về phương hướng hoạt động FDI trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương cần nỗ lực hỗ trợ cho nhà đầu tư triển khai dự án trong thời gian nhanh nhất, giải quyết dứt điểm những rào cản về thủ tục thuê đất, giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, năm 2021 Bộ sẽ tiến hành rà soát các dự án FDI theo hướng phân loại, với các tiêu chí đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật, đặc biệt là về bảo vệ môi trường và chống chuyển giá.

Các ưu đãi cho doanh nghiệp FDI cũng được rà soát, lên kế hoạch cắt hỗ trợ cho những doanh nghiệp công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như không có kế hoạch gắn bó lâu dài với Việt Nam.

Để doanh nghiệp Việt thực sự được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng cũng đưa ra đề xuất “khuyến khích các chuyên gia, cán bộ quản lý đang làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài, tách ra thành lập các doanh nghiệp của Việt Nam”.

Chat qua zalo