Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Chính phủ Mỹ xác định Việt Nam là một đối tác hàng đầu trong các dự án tại khu vực sắp tới để sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Sớm thống nhất, triển khai các dự án hợp tác cụ thể ở khu vực

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, ngày 2.6, tại trụ sở Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) ở Washington DC., Đại sứ Hà Kim Ngọc đã có buổi làm việc với ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành DFC.

Tại cuộc gặp, hai bên đã đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa DFC và các cơ quan của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Mỹ trong sản xuất và cung cấp các trang thiết bị y tế, bảo hộ để chống dịch.

Giám đốc điều hành DFC cho biết, với vị trí là cơ quan tài chính phát triển của Chính phủ Mỹ, DFC đang triển khai một loạt các kế hoạch nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư tại các nước đang phát triển, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và kinh tế số. Tại khu vực, DFC quan tâm hỗ trợ các dự án phát triển tại khu vực tiểu vùng Mekong, cũng như các dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Trong định hướng đó, DFC luôn coi trọng và xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án hợp tác của Mỹ.

Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá cao vai trò của DFC và mong muốn hai bên sớm thống nhất và triển khai các dự án hợp tác cụ thể ở khu vực. Nhấn mạnh năm 2020 đánh dấu 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, Đại sứ Hà Kim Ngọc đề nghị DFC tiếp tục tham gia và đóng góp vào các hoạt động liên quan trong thời gian tới, trong đó có việc tham gia các Hội nghị ASEAN-Mỹ, Việt Nam-Mỹ về hợp tác đầu tư tại khu vực.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang cộng tác với “các quốc gia bạn bè” trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Nhật, Australia, New Zealand và Việt Nam, để “thúc đẩy kinh tế toàn cầu” và tìm cách tái cấu trúc “chuỗi cung ứng nhằm ngăn chặn điều tương tự như sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 xảy ra lần nữa”. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan ra khắp thế giới từ đầu năm nay, dẫn đến làn sóng bắt đầu dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5.2020, cho rằng Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.

Doanh nghiệp Mỹ quan tâm các biện pháp phục hồi kinh tế của Việt Nam

Ngày 3.6, cũng tại thủ đô Washington (Mỹ), Đại sứ Hà Kim Ngọc đã tham dự buổi trao đổi trực tuyến do Trung tâm quốc tế Meridian tổ chức với chủ đề “Ứng phó của ASEAN trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID-19.” Buổi trao đổi có sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, và đại diện cấp cao của hơn 30 công ty và 2 hiệp hội doanh nghiệp lớn của Mỹ trong nhiều lĩnh vực như dinh dưỡng và y tế, thực phẩm và nông nghiệp, đồ uống, công nghệ, năng lượng, bảo hiểm và luật. 

Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN khác nhanh chóng phát huy các cơ chế phối hợp chính sách và hoạt động của ASEAN. Tại các cuộc họp vừa qua, các Lãnh đạo ASEAN đã cam kết duy trì dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ, nhất là các hàng hóa thiết yếu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 theo từng bước nhằm phục hồi và mở cửa nền kinh tế, xã hội.

Đại sứ thông báo để đón dòng vốn chuyển dịch đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó các doanh nghiệp Mỹ. Đại sứ bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Mỹ với tiềm năng lớn về công nghệ, chuyên môn và vốn sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và an toàn cho các hoạt động kinh doanh và chuyển dịch nguồn cung. Đại sứ cho rằng ngoài hợp tác y tế và sản xuất vaccine, còn nhiều lĩnh vực nhiều tiềm năng như thương mại kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng và năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Đây đều là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ có lợi thế trong hợp tác và đầu tư với Việt Nam.

Các doanh nghiệp Mỹ bày tỏ mong muốn ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng, nhất là các sản phẩm, thiết bị y tế, đồng thời đề xuất Việt Nam sớm mở cửa lại để các doanh nghiệp Mỹ có điều kiện tiếp cận các đối tác và thị trường Việt Nam. 

Chat qua zalo