“Năm 2021 nhiều công ty sản xuất và dịch vụ của Nhật Bản đến Việt Nam”

Trong lần khảo sát tại các doanh nghiệp FDI của Nhật hồi cuối năm ngoái, Việt Nam đứng sau Trung Quốc và trước Thái Lan về độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư…

AEON là công ty bán lẻ dịch vụ tên tuổi của Nhật Bản liên tục gia tăng quy mô tại Việt Nam

Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM chia sẻ trên Báo Chính phủ, ngay trước khi dịch COVID-19 bùng nổ, Việt Nam đã nằm sẵn trong danh sách các điểm đến đầu tư phổ biến với doanh nghiệp Nhật. Trong các khảo sát của JETRO với các doanh nghiệp thành viên thì Việt Nam luôn nằm trong top ba và trong lần khảo sát mới nhất thì Việt Nam nằm thứ hai, chỉ sau Trung Quốc và trước cả Thái Lan.

Theo ông Hirai Shinji, trước đây chỉ có các công ty sản xuất, giờ có thêm các công ty bán lẻ và dịch vụ, với những tên tuổi lớn có thể kể đến như AEON, UNIQLO, Matsumoto Kiyoshi… Những công ty này đều đang nghiên cứu để mở rộng quy mô tại Việt Nam.

"Vậy nên trong năm 2021, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều công ty sản xuất và dịch vụ của Nhật Bản đến Việt Nam, hay các công ty hiện có sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và họ sẽ không chỉ đầu tư làm nhà máy ở TP.HCM và các vùng phụ cận mà sẽ tìm đến các địa phương khác như ở ĐBSCL.

Lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư tại Việt Nam là tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm thuộc hàng tốt nhất trong khu vực, khiến quy mô nền kinh tế ngày một lớn, mức tiêu dùng của người dân cũng ngày một tăng.

Đáng chú ý, sau khi dịch COVID-19 bùng nổ, uy tín của Việt Nam càng được củng cố hơn. Công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đánh giá rất cao khả năng quản trị rủi ro tầm quốc gia của Chính phủ Việt Nam, khiến doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng, mở rộng quy mô làm ăn tại Việt Nam.

Đánh giá về sự chuẩn bị đón sóng đầu tư của Việt Nam, ông Hirai Shinji cho rằng: Có hai lĩnh vực chính Việt Nam cần cải thiện trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản, đó là cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông và logistics) và hoàn thiện chuỗi cung ứng (nguyên phụ liệu, linh kiện…) cho doanh nghiệp Nhật.

Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM cũng nhận xét, Chính phủ Việt Nam đã rất năng động và chủ động tham gia các FTA, và các công ty Nhật tại Việt Nam đang tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội này, như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường ASEAN hay các thị trường đã có FTA từ các nước lân cận để sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tăng tốc cải thiện khả năng cạnh tranh của mình.

Cuối năm 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Hội đồng Giao lưu Hữu nghị Quốc tế (FEC) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp lần thứ 60 ở thủ đô Tokyo.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam ưu tiên thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản như điện tử; chế biến nông, thủy sản; công nghệ môi trường và tiết kiệm năng lượng; máy và thiết bị nông nghiệp; đóng tàu; ô tô và phụ tùng ô tô.

“Chính phủ Việt Nam chú trọng kiến tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với cơ chế thị trường, điều kiện của Việt Nam và tương thích với các cam kết hội nhập, thông lệ quốc tế, quyết tâm tạo dựng các yếu tố nền tảng của môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và thuận lợi…, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng”, ông Nam nói.

Chat qua zalo