Nền kinh tế Việt Nam không nên bỏ phí một cuộc khủng hoảng nào
Ngày:01/10/2020 03:51:48 CH
Bên cạnh những thách thức mà cuộc khủng hoảng mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta tự biết biến nó thành cơ hội riêng thì khả năng lội ngược dòng và trở thành điểm sáng trên nên kinh tế toàn cầu là điều có thể. Liệu Việt Nam có khả năng biến những thách thức thành cơ hội lớn trong đại dịch Covid-19?
Câu hỏi không mới, nhưng khi tiếp tục được cả phía các cơ quan Chính phủ, giới chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cùng đặt ra, cùng tìm kiếm câu trả lời, có thể thấy cơ hội đang mở rộng hơn bởi những hành động tích cực.
Các doanh nghiệp đang hành động tích cực - đương nhiên là vậy - để không chỉ tồn tại, mà còn tìm kiếm lợi nhuận, tìm cánh cửa mới trong chuỗi giá trị toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ.
Ngay trong tháng 9/2020, khi Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh lớn trên toàn cầu, số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể còn lớn, nhưng vẫn có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 203.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 83.000 người. Tính chung 9 tháng, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 133.600 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Xem tiếp trang 3
Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2020 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên vào quý IV/2020.
Các cơ quan quản lý cũng vô cùng nỗ lực. Khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, sự dịch chuyển của dòng vốn toàn cầu, sự xoay chiều của các chuỗi giá trị và cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có thể có trong bối cảnh này thúc ép các cơ quan quản lý nhà nước không thể chậm trễ.
Các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ vượt qua thách thức trước mắt, mà còn thúc đẩy sự phục hồi nhanh hơn, bền vững hơn đang được đưa ra. Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020. Nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp người lao động cũng tiếp tục được đưa ra.
Điều đáng nói là đang có những kế hoạch hợp xu thế phát triển. Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ một hệ thống thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, theo hướng sẽ có một ứng dụng để kết hợp toàn bộ các nỗ lực đang phân tán tại các bộ, ngành, như Tư pháp, Công nghệ, Tài chính…; khai thác chung hệ thống phần mềm kế toán mà các doanh nghiệp đang phải mua từ các doanh nghiệp công nghệ...
Các cam kết về đổi mới, sáng tạo, chấp nhận thử nghiệm mô hình kinh doanh mới, cam kết xóa bỏ rào cản kinh doanh… tiếp tục có mặt trong nhiều chương trình làm việc của Chính phủ.
Nhưng phải thẳng thắn, những hành động này cần mở rộng thêm diện phủ và quan trọng là tốc độ. Trong các kế hoạch chuyển đổi số, đã có câu hỏi rằng, các cơ quan quản lý nhà nước có sẵn sàng thay đổi hành động, thay đổi nhiệm vụ, hay nói chính xác là thay đổi tư duy quản lý hay không? Bởi khi nguồn lực được dùng chung, cũng có nghĩa việc phân chia ngân sách, phân chia lợi ích và cả quyền lực sẽ thay đổi. Hơn thế, trong bối cảnh bình thường mới, tư duy cũ, hành động, kế hoạch bình thường cũ đã không còn phù hợp.
Chính điều này khiến vẫn còn những mối lo đích đáng về khả năng không tận dụng được cơ hội, thậm chí biến cơ hội thành thách thức của Việt Nam.
Có lẽ phải nhắc lại một câu trong bài phát biểu của TS. Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), nguyên Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, đó là “không nên bỏ phí một cuộc khủng hoảng”.
Cơ hội luôn có, chỉ chờ hành động cụ thể, để nắm bắt, để tận dụng và hiện thực hóa hoặc bị biến thành thách thức.
Đương nhiên, kinh tế Việt Nam đang cần tận dụng mọi cơ hội từ khủng hoảng, thậm chí biến thách thức thành cơ hội để đạt được mục tiêu gần là nhanh trở lại quỹ đạo phát triển, nhưng quan trọng hơn, là để kinh tế Việt Nam phát triển bao trùm và bền vững…