Nên làm gì để đón dòng FDI phục hồi hình chữ V?
Ngày:08/12/2020 10:48:34 CH
Triển vọng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ diễn ra với kịch bản hình chữ V, tuy nhiên cần có thêm những phương án kịp thời để đón luồng đầu tư hiệu quả và bền vững.
Triển vọng thu hút FDI sẽ phục hồi với kịch bản hình chữ
Theo đánh giá của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm mạnh tới khoảng hơn 40%, do tác động của đại dịch Covid-19.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng chứng kiến mức tụt giảm đầu tiên sau 10 năm tăng trưởng liên tục nhờ những nỗ lực về cải thiện chính sách và môi trường kinh doanh.
TS. Vũ Thanh Hương, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu gây ra thiệt hại nặng nề hơn đối với các quốc gia đang phát triển bởi tính bền vững kém và phụ thuộc cao.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19, cùng với những biến động trên thị trường quốc tế cũng đang tạo ra cơ hội mới để Việt Nam tiếp nhận thêm những nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, phù hợp với mục tiêu phát triển.
Bà Hương dự đoán, triển vọng thu hút FDI sẽ phục hồi với kịch bản hình chữ V, trong đó dòng vốn tiếp tục gia tăng vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, dệt may, nội thất, giày dép… vốn có thế mạnh về xuất khẩu, lại tiếp tục được hưởng lợi từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.
Bên cạnh đó, y tế và năng lượng là 2 lĩnh vực mới tiềm năng sẽ tích cực tiếp nhận những dòng vốn chất lượng. Tính riêng 11 tháng đầu năm 2020 đã có khoảng 4,9 tỷ USD đầu tư mới vào sản xuất và phân phối năng lượng, đặc biệt là dự án nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu của chủ đầu tư Singapore.
Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận xét, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kết quả của thu hút vốn FDI trong thời gian qua là tương đối khả quan, thể hiện sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với giới đầu tư quốc tế.
Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư quốc tế đang bày tỏ mong muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, tuy nhiên các dự án chưa thể được tiến hành do những cản trở nhất định từ đại dịch.
Đồng quan điểm với Bộ Kế hoạch và đầu tư, bà Hương đánh giá, việc tổng số vốn điều chỉnh tăng thêm tăng cũng là minh chứng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam, do những thành công trong công tác phòng chống dịch cũng như các chính sách thể hiện tính năng động của thị trường.
Hàm ý chính sách đón luồng dịch chuyển FDI
PGS.TS. Đào Minh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng nhận xét, việc Trung Quốc không còn là lựa chọn đầu tư sản xuất hàng đầu đã mở ra cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia.
Đại dịch Covid-19 được xem như một chất xúc tác khiến quá trình dịch chuyển dòng vốn diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn, xu hướng vốn đã được thúc đẩy từ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Hương cho biết, thực tế quá trình dịch chuyển này sẽ không xảy ra một cách ồ ạt mà kéo dài trong khoảng thời gian nhất định. Cùng với đó, thị trường Việt Nam vẫn khó có thể so sánh được với Trung Quốc về nhiều mặt, đặc biệt là công nghệ.
Do đó, để hiện thực hóa tiềm năng đón dòng dịch chuyển vốn, hướng tới hấp thụ các FDI chất lượng cao và đem lại hiệu quả lâu dài và bền vững, cần có những chính sách kịp thời từ phía Nhà nước.
Cụ thể, bà Hương đề xuất cần tiếp tục thực hiện các biện pháp mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Cùng với đó, sức đề kháng của nền kinh tế cần được duy trì thông qua các chính sách kích cầu nội địa và hợp tác quốc tế.
Trong tương lai, cần xác định rõ định hướng về tiếp nhận nguồn vốn FDI theo ngành nghề, địa phương, làm cơ sở để hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải quyết vướng mắc trong hành lang pháp lý và thủ tục đầu tư.
Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, đặc biệt là hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) cũng là lợi thế quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư, do đó cần có kế hoạch kịp thời để khai thác cơ hội mà các hiệp định này đem lại.
Đối với công tác đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, ông Phúc đề xuất thành lập một tổ công tác đặc biệt, có sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ để đi đàm phán với tập đoàn, doanh nghiệp đang có ý định chuyển hướng đầu tư.
Theo ông Phúc, xu hướng dòng vốn có thể sẽ diễn ra theo kịch bản “dịch chuyển đơn hàng trước, dịch chuyển nhà máy sau”, do đó trước mắt cần xây dựng hệ thống công nghiệp phụ trợ với kế hoạch chi tiết về các tổ hợp, liên doanh sản xuất.
Mặt khác, các điều kiện đầu tư cần được nới lỏng cho các nhà máy mang công nghệ sẵn có từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cụ thể, Thông tư 23 2015/TT-BKHCN đang quy định về quy trình nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng với thời gian kiểm định dài và phức tạp. Để thu hút hiệu quả dòng vốn rời Trung Quốc, cơ chế nên được đặt ra một cách linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.