Ngân hàng Thế giới lý giải nguyên nhân sản xuất công nghiệp Việt Nam tháng 1 tăng cao hơn trước đại dịch
Ngày:17/02/2021 07:27:10 CH
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), sản xuất công nghiệp Việt Nam trong tháng đầu năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch một phần do khác biệt về thời điểm lễ Tết Nguyên đán, khi các hoạt động kinh tế chững lại đáng kể.
Ngày 17/2, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2021. Theo đó, đợt lây nhiễm mới trong cộng đồng bùng phát vào cuối tháng 1/2021 sau hai tháng không có ca lây nhiễm trong nước, khiến Chính phủ nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó.
Các cơ quan chức năng cũng đã nhanh chóng tái triển khai các biện pháp khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly và hạn chế đi lại nhằm dập dịch trước kỳ nghỉ Tết. Bộ Y tế đã cho phép sử dụng vaccine Covid-19 của Astra Zeneca (Anh) tại Việt Nam ngày 1/2/2021, với dự kiến các liều đầu tiên sẽ được cung cấp trong quý I/2021.
Những diễn biến kinh tế mới
Báo cáo nêu rõ, trong tháng 1/2021, sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch. WB đánh giá, sự tăng trưởng mạnh mẽ này một phần phản ánh khác biệt về thời điểm lễ Tết Nguyên đán, khi các hoạt động kinh tế chững lại đáng kể. Kỳ nghỉ Tết năm ngoái rơi vào tháng Giêng, nhưng năm nay lại rơi vào tuần thứ hai và thứ ba của tháng 2.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ từ 51,7 vào tháng 12/2020 xuống còn 51,3 vào tháng 1/2021, nhưng vẫn chỉ báo tăng trưởng trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chủ yếu do sức cầu bên ngoài hơn là sức cầu trong nước. Các ngành năng động nhất bao gồm sản xuất kim loại, thiết bị điện, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đồ gỗ, giấy và sản phẩm giấy, cũng đạt tăng trưởng xuất khẩu cao.
Ngoài ra, doanh số bán lẻ (SA) trong tháng 1/2021 cao hơn 1,5% so với tháng 12/2020, đạt tốc độ tăng trưởng 6,6% (so cùng kỳ năm trước), nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trước đại dịch. WB cho hay, quỹ đạo tăng trưởng cho thấy sức cầu trong nước chưa được phục hồi hoàn toàn. Doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn 3 điểm phần trăm so với tháng trước đó.
Báo cáo chỉ thêm, với việc kiểm soát đi lại giữa các nước và sự phục hồi hạn chế của du lịch nội địa, ngành này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó ảnh hưởng đến việc làm và sinh kế. Du lịch chiếm khoảng 8% GDP và tạo ra 750.000 việc làm năm 2017. Doanh số các dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm lần lượt 4,1% và 62,2% (so cùng kỳ năm trước).
Nhiều hộ gia đình tiếp tục bị ảnh hưởng
Trong khi tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu cho thấy khả năng chống chịu mạnh mẽ, nhiều hộ gia đình vẫn tiếp tục gặp khó khăn tài chính do khủng hoảng gây ra. Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát hộ gia đình tần suất cao qua điện thoại về Covid-19 của WB trong tháng 1/2021, gần một nửa các hộ gia đình vẫn cho biết thu nhập gia đình của họ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, trên một phần ba số người trả lời cho biết họ biết có người bị mất việc làm kể từ tháng 2/2020. Mặc dù kết quả trên vẫn tốt hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhưng cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay để lại tác động đáng kể và lâu dài đến người lao động và hộ gia đình ở Việt Nam.
Vốn FDI chững lại trong tháng 1
Trong tháng 1/2021, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 2,0 tỷ USD, thấp hơn 3,9% so với tháng trước, và thấp hơn 62,2% so với tháng 1/2020. Mức giảm trên chủ yếu là do giảm đầu tư mới (70,3%) và mua lại sát nhập (58,7%), trong khi đầu tư tăng thêm tăng 41,1%. Dòng vốn FDI đổ vào mạnh trong tháng 1/2020 chủ yếu nhờ một dự án ngành khí đốt.
Báo cáo kết luận, trong thời gian tới, viễn cảnh tăng trưởng của năm 2021 sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát đợt dịch mới bùng phát nhanh thế nào, cũng như thời gian triển khai tiêm chủng vaccine trong nước và trên thế giới.
WB cho hay, nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài, Chính phủ có thể cần cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế thêm bằng biện pháp tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, cần quan tâm theo dõi đặc biệt tới dư địa tài khóa, sức khỏe của khu vực tài chính, và những tác động xã hội có thể xảy ra vì mất thu nhập kéo dài ở một số hộ gia đình có thể tạo ra tình trạng bất bình đẳng những căng thẳng mới.