Ngành da giày: Vốn ngoại đầu tư sẽ tăng trở lại
Ngày:19/12/2020 12:38:33 CH
Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại với các nền kinh tế lớn, Việt Nam tiếp tục đón xu hướng dịch chuyển đơn hàng và các cơ sở sản xuất của những tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.
Ngành giày dép, túi xách được đánh giá là có cơ hội gia tăng xuất khẩu và dòng vốn FDI khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực
Dự án hiếm hoi
Dự án Nhà máy giày Nike giai đoạn III là một trong không nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngành da giày được khởi công trong năm 2020. Theo kế hoạch, sau 8 tháng thi công xây dựng, Dự án sẽ được nhà thầu hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư để chính thức đưa vào hoạt động. Trước đó, Nhà máy giày Nike giai đoạn I và II đã được Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam đưa vào hoạt động, đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho ngành da giày.
Ngành giày dép, túi xách được đánh giá là có cơ hội gia tăng xuất khẩu và dòng vốn FDI khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã khiến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của ngành này chịu nhiều tác động.
Theo số liệu của Bộ Công thương, 11 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại ước đạt 14,93 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu mặt hàng túi xách cũng giảm sâu, với 2,780 tỷ USD sau 11 tháng, giảm 608 triệu USD so với cùng kỳ.
Về đầu tư, cách đây 1 năm, khi chưa có đại dịch, ngành da giày có nhiều dự án mới được khởi công, song hiện chưa thể đi vào hoạt động như kế hoạch. Đó là Dự án Nhà máy giày xuất khẩu Kim Việt - Việt Nam của Tập đoàn Xin Long (Trung Quốc) dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2020. Hay Dự án sản xuất giày dép của Công ty TNHH Longwell tại Đồng Nai, dự kiến đưa vào hoạt động tháng 7/2020.
Dòng vốn sẽ trở lại
Cho đến nay, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc vẫn đang giữ vị trí top đầu về vốn FDI trong ngành da giày Việt Nam. Với việc tham gia nhiều FTA với các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, Việt Nam tiếp tục đón xu hướng dịch chuyển đơn hàng và cả các cơ sở sản xuất của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.
Ngành giày dép, túi xách được đánh giá là có cơ hội gia tăng xuất khẩu và dòng vốn FDI khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, như CPTPP, EVFTA.
Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York và Công ty DHL vừa công bố Báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020. Theo đó, Việt Nam đã đạt thành tích ấn tượng - đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng dòng chảy thương mại (tăng 5 bậc), trong khi phần lớn các quốc gia trong top 10 ghi nhận sụt giảm hoặc giữ nguyên vị trí.
Đáng chú ý, Việt Nam vượt trội trong khu vực khi dòng chảy quốc tế được trải rộng. Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của Trung Quốc về sản xuất dệt may và ngày càng mạnh hơn về các sản phẩm công nghệ cao.
Theo ông Shoeib Reza Choudhury, Tổng giám đốc DHL Express Việt Nam, Việt Nam chắc chắn là một trong những điểm đến hàng đầu của những doanh nghiệp đang mong muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất. “Các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục bị thu hút bởi lực lượng lao động trẻ và tay nghề cao của Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và nhiều nền kinh tế lớn”, ông Shoeib Reza Choudhury nhận định.
Hãng Adidas từng cho biết, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của Adidas còn tiếp tục. Rất có thể, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ là nơi sản xuất hơn một nửa số lượng giày Adidas trên thế giới.