Nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Quảng Ninh được mở rộng

Quảng Ninh lọt vào “tầm ngắm” của nhà đầu tư lớn

Mới đây, Tập đoàn Amata cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Động thái này phản ánh sức hút của địa phương đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong buổi làm việc trực tuyến với phóng viên Báo Đầu tư, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam chia sẻ, ngay từ những ngày đầu đến nghiên cứu đầu tư tại Quảng Ninh, Amata đã xác định, đây là dự án lớn nhất mà Tập đoàn triển khai tại Việt Nam, cả về quy mô đất (diện tích nghiên cứu gần 5.800 ha) lẫn quy mô vốn (gần 2 tỷ USD). Trong đó, Khu công nghiệp Sông Khoai nằm trong Khu kinh tế Quảng Yên sẽ được đầu tư xây dựng trước.

Tiến trình phát triển Khu công nghiệp này gắn với các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, có công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư về sản xuất cũng sẽ tạo nhu cầu về nơi ở, tiện ích thương mại, dịch vụ. Từ đó, tạo đà cho việc xây dựng, phát triển khu đô thị thông minh Amata Smart City Hạ Long.

Tập đoàn Amata cũng đã trao đổi với tỉnh Quảng Ninh về việc sẽ tiếp tục phát triển thêm một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thông qua việc hợp tác với các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan để kéo các nhà đầu thứ cấp từ các quốc gia, vùng lãnh thổ này về.

Quảng Ninh tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển các khu công nghiệp mới.

“Sau dự án đầu tiên là Khu công nghiệp Sông Khoai với 714 ha đang được triển khai, Tập đoàn tiếp tục hướng tới việc mở rộng quỹ đất dành cho khu công nghiệp trong Khu kinh tế Quảng Yên - địa điểm có rất nhiều lợi thế phát triển công nghiệp. Trong đó, gần nhất có 2 dự án đang nghiên cứu cùng 2 đối tác lớn đến từ Nhật Bản (Tập đoàn Marubeni) và Hàn Quốc (Tập đoàn GS E&C)”, bà Somhatai thông tin.

Marubeni là tập đoàn hàng đầu thế giới, có rất nhiều kinh nghiệm đầu tư, phát triển các dự án khu công nghiệp vượt trội tại châu Á từ những năm 1980 và có nhiều năm đầu tư tại Việt Nam. Tại Quảng Ninh, Marubeni có mặt trong liên doanh đề xuất thực hiện Dự án Điện khí LNG.

GS E&C nằm trong top 4 tập đoàn xây dựng hàng đầu của Hàn Quốc, không chỉ có thế mạnh về mảng hạ tầng và bất động sản truyền thống, mà còn đang phát triển mảng kinh doanh mới liên quan đến công nghệ cao, năng lượng xanh. GS E&C đã có hơn 28 năm kinh nghiệm phát triển tại Việt Nam.

Theo bà Somhatai, dự án mà Marubeni và Amata đang đề xuất sẽ được thực hiện theo định hướng chiến lược phát triển khu công nghiệp từ Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, đó là thân thiện với môi trường, số hóa và phát triển công nghệ cao… Bên cạnh đó, GS E&C đã đóng góp ý tưởng xây dựng một khu công nghiệp mới dựa trên quan điểm hài hòa với vịnh Hạ Long. Đây sẽ là khu công nghiệp Hàn Quốc đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam trên cơ sở hợp tác với Amata, để thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ hiện đại như năng lượng tái tạo, sinh dược, xe điện…

Cả 2 nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc này đều chủ động tìm về Quảng Ninh và cùng nhìn thấy tiềm năng của địa phương trong việc phát triển bất động sản công nghiệp thế hệ mới, để đón dòng FDI chất lượng.

Tăng sức hút đầu tư

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Quảng Ninh muốn cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu, thì trong vòng 5 năm tới là thời điểm thích hợp để chào đón các nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên đầu tư vào khu công nghiệp mới trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, dù chịu tác động bởi dịch bệnh, song kết quả thu hút đầu tư FDI vào Quảng Ninh rất khả quan. Chỉ chưa đầy 6 tháng, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định chọn Quảng Ninh để đầu tư 2 dự án có hàm lượng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Sông Khoai của Amata. Đó là Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (vốn đầu tư gần 500 triệu USD) và Dự án Công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (vốn đầu tư gần 400 triệu USD). Đây là 2 dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay.

Trong 9 tháng của năm 2021, tổng vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc địa bàn quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (trừ Khu kinh tế Vân Đồn) đạt 40.350 tỷ đồng (tương đương hơn 1,75 tỷ USD), đạt 139% kế hoạch thu hút vốn đầu tư theo kịch bản tăng trưởng năm 2021.

Việc xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp lớn tại Quảng Ninh sẽ giúp địa phương này nhanh chóng định vị tên tuổi trên bản đồ thu hút FDI của Việt Nam với những dự án tỷ USD.

Chat qua zalo