Nhà đầu tư FDI được tham gia phát triển nhà ở xã hội
Ngày:14/07/2023 03:47:12 CH
Nhu cầu nhà ở xã hội đối với doanh nghiệp FDI
Đảm bảo các điều kiện ăn, ở, ngủ, nghỉ, học hành và vui chơi giải trí cho người lao động là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc ổn định và phát triển sản xuất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp FDI khi đầu tư nhà máy tại Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, rất nhiều nhà đầu tư FDI tại Việt Nam có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân, những người đang lao động trong các nhà máy của doanh nghiệp họ thuê, thuê mua, mua cũng như có nhu cầu đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, . . . để ổn định và nâng cao đời sống cho người lao động nhưng các nhà đầu tư FDI gặp các rào cản pháp lý.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều Nhà đầu tư FDI trên thế giới, do đó nếu Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia phát triển nhà ở xã hội sẽ là động lực quan trọng cho việc thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam.
Nhà đầu tư FDI được tham gia phát triển nhà ở xã hội
Tại Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" ngày 13/7, T.S Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản của Bộ Xây dựng chia sẻ về những điểm mới trong sửa đổi Luật nhà ở 2014.
Theo Dự thảo Luật Nhà ở đã bổ sung quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội, theo đó:
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư phát triển được tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không phải dành diện tích đất ở trong phạm vi dự án để xây dựng nhà ở xã hội. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi địa bàn.
Lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội: Trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua thì UBND tỉnh xác định chủ đầu tư theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng thì việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo hình thức chỉ định theo pháp luật về nhà ở hoặc đấu thấu theo pháp luật về đấu thầu.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được hưởng lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; Được hưởng ưu đãi phần diện tích quỹ đất hoặc sàn thương mại để làm dịch vụ kinh doanh, thương mại; Chủ đầu tư được hạch toán riêng và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này; Chủ đầu tư không bắt buộc phải dành 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê.
Đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội: Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đáp ứng đồng thời các điều kiện về nhà ở và thu nhập (bỏ điều kiện về cư trú). Trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập như mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng: Giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm cả chi phí đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong phạm vi dự án), lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác), lợi nhuận định mức 10% và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước quy định
Giá thuê mua được xác định tương tự như giá bán nhưng không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định của Luật Nhà ở; Giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng phương án giá và trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật nhà ở.
Về nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội thì chủ đầu tư khi bán, cho thuê mua nhà ở không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai và không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Mỗi đối tượng thuê thì mỗi thời điểm chỉ được thuê một căn nhà ở xã hội. Bên bán lại nhà ở xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.
Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê được bán nhà ở này sau 10 năm theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu nhưng chủ đầu tư dự án đó phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế.
Nếu được Quốc hội thông qua các nội dung về nhà ở xã hội như trên sẽ giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp và thuận lợi cho việc thu hút Nhà đầu tư FDI Nhà đầu tư FDI được tham gia phát triển nhà ở xã hội, tạo tiền đề quan trọng cho việc thu hút FDI của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.