Nhà đầu tư nội lần đầu được chọn phát triển cảng nước sâu
Ngày:25/01/2021 10:00:22 CH
CTCP Tập đoàn Hateco sẽ là nhà đầu tư tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được vào thị trường phát triển hệ thống cảng biển nước sâu vốn chỉ dành cho các liên doanh nhà đầu tư nước ngoài.
Hai cần cẩu bốc dỡ container tại cảng Lạch Huyện
Bến mới cho Lạch Huyện
Mặc dù còn phải chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ, nhưng khả năng Hateco được giao triển khai Dự án Đầu tư xây dựng bến số 5, bến số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng là rất cao.
Cuối tuần trước, sau hơn 2 tuần thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, bến số 6 khu bến cảng Lạch Huyện.
Trên cơ sở hồ sơ dự án; ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá Dự án của Hateco đủ điều kiện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện theo quy định của Luật Đầu tư”, Báo cáo thẩm định dự án số 280/BC-KHĐT nêu rõ.
Trước đó, Hateco đã đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng bến số 5, bến số 6 khu bến cảng Lạch Huyện do Tập đoàn đầu tư tại đảo Cát Hải, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP. Hải Phòng.
Dự án có quy mô 47 ha; đầu tư xây dựng 2 bến cập tàu tổng chiều dài tuyến mép bến là 750 m có khả năng tiếp nhận cỡ tàu 100.000 DWT (8.000 Teus); một bến sà lan chiều dài tuyến mép bến 150 m, tiếp nhận sà lan 48 Teus; công trình bảo vệ cảng; hệ thống kho bãi; hạ tầng phục vụ cảng; khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.
Vốn đầu tư thực hiện Dự án (do nhà đầu tư đăng ký) là 6.425,212 tỷ đồng; giai đoạn I (từ năm 2020 - 2025) là 6.072,9 tỷ đồng; giai đoạn II (từ năm 2030 và sau 2030) là 352,2 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 15%, vốn huy động hợp pháp chiếm 85%. Theo kế hoạch, giai đoạn I của Dự án có thời gian xây dựng trong 4 năm kể từ khi phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; giai đoạn II (2030 và sau 2030) dự kiến thời gian xây dựng trong 1 năm.
Theo đánh giá của UBND TP. Hải Phòng, nếu triển khai thành công, Dự án sẽ trực tiếp mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn cho địa phương thông qua các khoản nộp ngân sách trong giai đoạn vận hành (giai đoạn I nộp 2.452 tỷ đồng; giai đoạn II nộp 2.964 tỷ đồng).
“Quan trọng hơn, Dự án còn tham gia hình thành một cụm bến hàng hóa hiện đại trực tiếp đón các tàu mẹ đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực phía Bắc tới thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hồng Kông; góp phần khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải”, Công văn số 4421/UBND-GT do ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng ký gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 12/2020.
Ẩn số tiến độ
Được biết, Hateco là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, có trụ sở tại Lô 19.42, Khu đô thị mới Trần Lãm, phường Trần Lãm, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình; được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào tháng 11/2004. Công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, với người đại diện là ông Trần Văn Kỳ - chức danh: Chủ tịch HĐQT.
Không phải ngẫu nhiên mà UBND TP. Hải Phòng lại chọn doanh nghiệp này để trao cơ hội đầu tư 2 trong số 6 bến container được quy hoạch đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2030 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Theo xác nhận của Cục Hàng hải Việt Nam, Hateco là nhà đầu tư tư nhân đầu tiên tại Việt Nam chen chân được vào thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển nước sâu vốn chỉ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp cảng biển nhà nước giữ quyền chi phối.
Trên thực tế, một đơn vị thành viên của Hateco - Công ty cổ phần Hateco Logistics được đánh giá là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này sở hữu một cảng cạn tại Sài Đồng có tổng diện tích lên tới 120.000 m2.
Trung tâm logistics này có khả năng cung cấp tất cả các dịch vụ cho khách hàng với phạm vi toàn cầu, bao gồm: các dịch vụ liên quan đến cảng cạn, dịch vụ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, dịch vụ giao nhận vận tải, dịch vụ kho bãi, dịch vụ phân phối (3PL), dịch vụ thông quan hàng chuyển phát nhanh, thương mại điện tử và bưu chính, dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới và các dịch vụ hậu cần logistics khác.
Trong Công văn số 13424/BCT- ĐT ngày 2/11/2020 cho ý kiến về hồ sơ đề xuất dự án, trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã được kiểm toán, tại thời điểm ngày 31/12/2019, Bộ Tài chính cũng ghi nhận Hateco có vốn chủ sở hữu là 5.104 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu tăng trong năm là 2.000 tỷ đồng; các chỉ số hiệu quả hoạt động như lợi nhuận, ROA, ROE là tích cực; có khả năng đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo quy định.
Được biết, tại Báo cáo thẩm định dự án số 280/BC-KHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo Hateco tiếp tục hoàn thiện Dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan; đồng thời kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của Hateco theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có việc huy động vốn.
Do đến thời diểm hiện nay, Dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, việc hoàn thành đúng tiến độ của giai đoạn I là rất khó khăn, nên tiến độ thực hiện Dự án như đề xuất là chưa sát với thực tế. “Đề nghị UBND TP. Hải Phòng và nhà đầu tư nghiên cứu điều chỉnh tiến độ thực hiện phù hợp quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, khả năng cấp đất và cân đối vốn thực hiện Dự án”, Báo cáo thẩm định dự án số 280/BC-KHĐT nêu rõ.
Hiện bến số 1 và 2 khu bến cảng Lạch Huyện do Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng - liên danh giữa nhà đầu tư Nhật Bản và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn khai thác; trong khi bến số 3, số 4 đang được cân nhắc giao cho Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đầu tư.