Nhà đầu tư nước ngoài ráo riết tìm ''bến đỗ'' cho doanh nghiệp

Dịch Covid-19 được xem như một chất xúc tác tạo ra xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á và một số quốc gia có lợi thế để giảm thiểu rủi ro do đứt đoạn chuỗi cung ứng.

Việc dịch chuyển nhà máy đã diễn ra vài năm gần đây nhưng khi Covid-19 diễn ra và đỉnh điểm là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc ngày càng ồ ạt hơn.

Có nhiều lý do để Việt Nam trở thành một trong những điểm đến trong làn sóng này. Thứ nhất, vị trí chiến lược gần với Trung Quốc nên Việt Nam có cơ hội đón làn sóng dịch chuyển. Thứ hai, những năm gần đây, chi phí nhân công lao động và chi phí đất ở Trung Quốc đang tăng rất cao. Thứ 3 giá thuê đất khu công nghiệp ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong và ngoài khu vực.

Bắt theo xu hướng về làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đã bắt đầu có những động thái nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài. Rõ nhất là Indonesia đã có kế hoạch đón đầu, đàm phàn với Chính phủ Mỹ về việc di dời các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc sang quốc đảo này. Chính phủ nước này đã chuẩn bị 4.000ha đất để đón các công ty này. Bên cạnh đó Ấn Độ cũng đang được các doanh nghiệp quan tâm, vì đây là nước có lợi thế về dân số đông, diện tích lớn, nguồn lao động tốt.

Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam đang có lợi thế về mặt địa lý, song lại có nhiều bất cập khác về tính sẵn sàng. Có thể thấy, ngay sau khi có động thái dịch chuyển này thì rất nhiều nước xung quanh chúng ta cũng lên kế hoạch để đón làn sóng dịch chuyển. Nhưng cơ hội sẽ dành cho tất các mọi người và chỉ đến với ai sẵn sàng đón nhận. Trong khi các nước khác đã có những động thái từ trước, chuẩn bị sẵn sàng đến đón các “ông lớn” thì Việt Nam còn tỏ ra khá chậm chạp và thiếu sự chuẩn bị.

Vấn đề về bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây là nguồn cung và quỹ đất. Nguồn cung ở Việt Nam rất lớn, tuy nhiên đất sạch để bàn giao ngay thì rất hạn chế, khiến việc giải phóng mặt bằng còn khó khăn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, xu hướng M&A sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, khiến nảy sinh nguy cơ những doanh nghiệp tiềm năng (có quy mô vừa và lớn, có thị phần nhất định và có vai trò dẫn dắt một số ngành quan trọng) có thể bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ còn đề cập vấn đề này như là một trong 5 thách thức lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020.

Riêng với Trung Quốc, không ít ý kiến cho rằng khả năng lượt thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ nhiều hơn nếu tính cả hình thức đầu tư dạng “núp bóng”. Trên thực tế đã có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, “thâu tóm” các vị trí đất đẹp, trung tâm… 

Do đó, giới phân tích cho rằng ở thị trường trong nước cần có chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, bổ sung những quy định pháp luật chưa chặt chẽ hoặc còn có khoảng trống chưa quy định để tạo ra hành lang pháp lý hợp lý cho đầu tư và kinh doanh trong nước và nước ngoài. 

Chat qua zalo