Nhà máy xử lý chất thải tập trung: Yếu tố hạ tầng hút các nhà đầu tư bất động sản khu công nghiệp
Ngày:12/12/2019 11:24:00 SA
Dù vậy, không phải khu công nghiệp nào cũng có tỷ lệ lấp đầy cao và thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là nhà máy xử lý chất thải tập trung.
Đầu năm 2019 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay tính đến cuối 2018, trên địa bàn cả nước đã có 228/283 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Mục tiêu trong năm 2019, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất phải có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, giảm thải tối đa tình trạng ô nhiễm nguồn nước và đảm bảo an toàn cho người lao động, dân cư quanh khu vực.
Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung an toàn và hiện đại không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững mà còn là một trong những yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư nước ngoài đặt chân tới Việt Nam.
Dễ thấy, việc tập trung các nguồn nước thải ô nhiễm vào các khu vực nhất định không chỉ giúp tiết kiệm chi phí xử lý môi trường trên một đơn vị chất thải cho từng doanh nghiệp mà còn mang đến hiệu quả xử lý nước thải tích cực hơn hẳn. Từ đó, công tác quản lý môi trường trong khu công nghiệp, khu chế xuất cũng được đẩy mạnh, đúng theo định hướng khu công nghiệp xanh - sạch - an toàn của nhà nước.
Làm việc trong một môi trường an toàn, thân thiện, hướng tới phát triển bền vững chắc chắn sẽ khuyến khích, giữ chân các doanh nghiệp FDI.
Một nguyên nhân khác chứng minh tính cần thiết của hệ thống xử lý nước thải tập trung, đó là thực trạng hiện nay tại Việt Nam, phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất đều mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực thay vì chuyên biệt; lượng nước thải rất lớn.
Do đó, yếu tố quản lý môi trường vô cùng phức tạp, công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nước thải đúng quy trình cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu không xây dựng hệ thống xử lý tập trung và đồng bộ, hiệu quả xử lý nước thải và ảnh hưởng của chúng đến môi trường là không thể đo lường được.
Hiện nay, một số chủ đầu tư như Viglacera, TNI, Rạng Đông, Phú Mỹ... đang sở hữu những khu công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và hiện đại. Nhiều khu công nghiệp trong số đó có tỷ lệ lấp đầy lên tới 100%.
Đầu năm 2019, nhà máy xử lý nước thải vi sinh tập trung đầu tiên tại Việt Nam đã được khánh thành tại khu công nghiệp Sóng Thần II (Bình Dương), hoàn toàn không dùng hóa chất trong xử lý, phương pháp xử lý sạch, an toàn, tuyệt đối thân thiện với môi trường. Mô hình xử lý nước thải sinh thái này đang trở thành xu hướng và được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Về phía chính quyền địa phương, dù các dự án ngay khi được phê duyệt đã nêu rõ từng hạng mục yêu cầu trong vấn đề bảo vệ môi trường qua các giai đoạn, từ giai đoạn thi công xây dựng khu công nghiệp cho đến vận hành quản lý khu công nghiệp, buộc chủ đầu tư có biện pháp xử lý nước thải tập trung, không để xảy ra khả năng ô nhiễm và ảnh hưởng đến đời sống người dân, người lao động quanh khu vực.
Mặt khác, cần áp dụng triệt để các biện pháp liên quan nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của khu công nghiệp đến môi trường, buộc lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật với những khu công nghiệp, khu chế xuất có lượng xả thải lớn, số liệu xả thải sẽ được truyền trực tiếp về cơ quan kiểm soát thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường để có biện pháp xử lý. Đồng thời, chủ đầu tư có nghĩa vụ kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với xử lý nước thải công nghiệp…
Tuy nhiên dễ nhận thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng xử lý nước thải tập trung tại Việt Nam hiện nay là chưa đủ chặt chẽ, vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước quanh khu công nghiệp và ô nhiễm do nhiều nguồn phát thải khác.
Thạc sĩ Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng - Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đề cập tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2019, cho hay, nhà nước hiện đã có chính sách ưu đãi tín dụng dành riêng cho dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải.
Ngoài ra, ông còn đề cập đến mô hình Khu công nghiệp sinh thái như một trong những xu hướng KCN mới, trong đó hệ thống xử lý nước thải tập trung chiếm vai trò đặc biệt quan trọng. Một số chủ đầu tư bất động sản công nghiệp có tiếng trên toàn quốc như Tập đoàn TNI Holdings Việt Nam cũng đang hướng tới khu công nghiệp sinh thái như một xu hướng tất yếu trong tương lai.
Qua hơn 20 năm hoạt động, đến nay, TNI Holdings Việt Nam đang quản lý 11 KCN trên tổng diện tích hơn 2.000 ha, trong đó tỉ lệ lấp đầy bình quân luôn đạt 85% Với trên 400 dự án tham gia đầu tư, các KCN do TNI Holdings Việt Nam phát triển và quản lý là nơi làm việc của hơn 300 nghìn lao động, tập trung vào các lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ lắp ráp, chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô, dệt, nhuộm và may mặc…
Trong số này, có khoảng 300 doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan… với tổng vốn đầu tư thu hút trên 3 tỷ USD. Thương hiệu TNI Holdings Việt Nam đang dần trở thành cái tên quen thuộc đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế ban hành năm 2018 vừa qua thêm lần nữa khẳng định “Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế có trách nhiệm xây dựng, vận hành trạm xử lý nước thải tập trung, các công trình bảo vệ môi trường khác (nếu có) theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.”.
Đồng thời, một trong 3 điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp mở rộng là “Khu công nghiệp đã xây dựng và đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải tập trung theo pháp luật về môi trường”. Rõ ràng, nhà máy xử lý chất thải tập trung là một trong những yếu tố hạ tầng thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, phát triển xanh./.