Nhật Bản: Ưu tiên M&A để đẩy nhanh tốc độ đầu tư tại Việt Nam

Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó, M&A là một trong những kênh đầu tư chính.

Ông Daisuke Imaichi, thành viên Bộ phận Tài chính và Bảo hiểm, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về xu hướng M&A mới của các doanh nghiệp thành viên và sự khác biệt giữa các thị trường M&A trong khu vực.

Ông Daisuke Imaichi, thành viên Bộ phận Tài chính và Bảo hiểm, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI).

Thưa ông, hoạt động M&A của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2020 tập trung vào những lĩnh vực nào và có điểm gì nổi bật?

Sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với hoạt động đầu tư thông qua kênh M&A tại Việt Nam vẫn rất cao trong năm 2020, bất chấp Covid-19. Việt Nam vốn đã hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản nhờ tốc độ tăng dân số và quy mô thị trường ngày càng mở rộng. Trong bối cảnh chịu tác động bởi Covid-19, nền kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thì những điểm mạnh, lợi thế và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam càng thể hiện rõ. Việt Nam đã tạo nên sự khác biệt so với các nước trong khu vực ASEAN.

Phương thức đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong năm nay không có nhiều khác biệt so với năm 2019. Bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, dệt may, hậu cần, năng lượng, với tiềm năng tăng trưởng cao, vẫn là những ngành hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản.

Bên cạnh những lĩnh vực trên, cơ hội đầu tư trong các dự án năng lượng tái tạo áp dụng giá bán điện cố định (FIT) và bất động sản, đặc biệt là các dự án chung cư và tòa nhà văn phòng, tiếp tục thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ngoài ra, mong đợi hưởng lợi từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường giao thương nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Các FTA này cũng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động đầu tư năng động hơn, đồng thời hình thành những mô hình hợp tác mạnh mẽ hơn ở mức độ doanh nghiệp.

Ngoài những ngành nghề kinh doanh truyền thống luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đã xuất hiện hoạt động đầu tư trong một số ngành “mới”, như kinh doanh giải trí. Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo nên sự đa dạng trong các ngành kinh doanh mục tiêu, đồng thời thúc đẩy gia tăng giao dịch M&A trong thời gian tới.

Việt Nam là thị trường hấp dẫn, song Covid-19 đã tác động mạnh và phần nào làm chững lại các giao dịch M&A. Mặc dù hạ tầng công nghệ thông tin được chú trọng phát triển và cải thiện, nhưng nhiều buổi gặp gỡ trực tiếp vẫn chưa thể diễn ra. Do đó, nhiều giao dịch M&A đã không được thực hiện theo tiến độ, kế hoạch. Ngoài ra, biến động trong định giá các thương vụ M&A giữa bối cảnh Covid-19 cũng ảnh hưởng tới quyết định của các nhà đầu tư.

Xu hướng M&A của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có khác biệt so với một số quốc gia trong khu vực không, thưa ông?

Gần đây, hầu hết giao dịch M&A tại Việt Nam là các hoạt động đầu tư nhằm vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, trong đó, hầu hết là doanh nghiệp mới hiện diện trên thị trường và đang ở trong giai đoạn tăng trưởng, mô hình kinh doanh chưa được đánh giá ở quy mô lớn.

Giao dịch M&A quy mô nhỏ hơn 100 triệu USD được xếp vào các thương vụ vừa và nhỏ theo tiêu chuẩn quốc tế. Thực tế, dựa trên thông tin thu thập của chúng tôi, quy mô trung bình của các thương vụ M&A tại Việt Nam do doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2019 khoảng 39,2 triệu USD (27 trong số 77 giao dịch được công bố). Cùng thời điểm này, quy mô trung bình của các thương vụ M&A tại Thái Lan và Malaysia lần lượt ghi nhận khoảng 62,8 triệu USD (22 trong số 51 giao dịch) và 94,6 triệu USD (25 trong số 55 giao dịch).

Mặc dù có sự khác biệt về quy mô giá trị các thương vụ M&A, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận 19 giao dịch M&A do các công ty Nhật Bản thực hiện, trong khi con số này tại Thái Lan và Malaysia lần lượt chỉ là 7 và 4 thương vụ. Điều này chứng tỏ, Việt Nam đang là điểm sáng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài so với các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, quy mô thương vụ giá trị nhỏ cũng có thể là yếu tố giúp giảm bớt trở ngại cho thị trường Việt Nam, đồng thời nâng cao tính hấp dẫn đối với các tập đoàn đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hoặc lần đầu gia nhập thị trường.

Nhiều tập đoàn Nhật Bản ưu tiên M&A như một hoạt động chính trong chiến lược kinh doanh ra nước ngoài. Bởi vậy, họ phân tích thận trọng, đánh giá về triển vọng lợi nhuận dài hạn trước khi đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa của khối doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam chưa đạt được tiến độ đề ra và đây có thể là nhân tố cản trở sự phát triển của toàn nền kinh tế. Hợp tác với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có bước nhảy vọt trong việc cải thiện hoạt động kinh doanh thông qua sự chia sẻ về công nghệ và kinh nghiệm của các nhà đầu tư.

Chúng tôi kỳ vọng vào sự thay đổi và cải thiện của các ngành có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước như tài nguyên, năng lượng và hạ tầng; đồng thời cũng kỳ vọng, sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác nước ngoài với doanh nghiệp trong nước sẽ giúp Việt Nam tạo nên sự khác biệt trong những ngành này.

Gần đây, các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động M&A tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng hoàn thiện. Theo ông, điều này đã đủ để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản chưa? Thị trường M&A tại Việt Nam cần những yếu tố gì để tạo bước đột phá?

Khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động M&A tại Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực so với vài năm trước. Điển hình là việc ban hành Thông tư số 06/2019/TT-NHNN (năm 2019) nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong quá trình thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn. Theo chúng tôi, cơ chế pháp lý và thủ tục hành chính đơn giản, hiệu quả sẽ là những yếu tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư.

Luật Đầu tư (năm 2020) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 có nhiều thay đổi mang tính điểm nhấn, đó là: sửa đổi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; nêu bật những điều kiện cụ thể cho các ngành được hưởng ưu đãi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê duyệt chủ trương đầu tư, thủ tục đầu tư; nới rộng định nghĩa doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo quyền lợi cho cổ đông thiểu số trong nhiều ngành nghề kinh doanh được hưởng ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, Luật Đầu tư (năm 2020) cũng đưa một số ngành nghề kinh doanh ra khỏi danh sách ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kỳ vọng, Luật Chứng khoán (năm 2019), có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Luật này thắt chặt các tiêu chuẩn và điều kiện phát hành công khai chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin, đơn giản hóa các thủ tục, quy trình thực hiện. Nếu tất cả yếu tố trên được thực hiện đúng quy định, chất lượng của cổ phiểu sẽ được cải thiện đáng kể và chúng tôi mong sẽ chứng kiến thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, đã có nhiều quy định và nghị định riêng được ban hành, áp dụng. Cụ thể, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP giúp đẩy mạnh tiến trình thoái vốn và cổ phần hóa theo cách thuận lợi hơn, nhưng những quy định này vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn theo yêu cầu quốc tế. Thực tế, tính minh bạch và công bằng đối với phương thức định giá, thủ tục và kế hoạch thực hiện vẫn cần phải cải thiện hơn nữa. Hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi những quy định này theo hướng rõ ràng hơn.

Ngoài ra, việc áp dụng phương thức dựng sổ “Book Building” đã được công bố nhằm xác định giá phát hành cổ phiếu lần đầu, song vẫn không được áp dụng trong nhiều giao dịch cổ phần hóa. Phương pháp này giúp xác định giá trị của cổ phiếu phù hợp nhất với nhu cầu của nhà đầu tư, nên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và khắc phục tình trạng chậm thoái vốn như hiện nay.

M&A là kênh đầu tư quan trọng đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ đánh giá của doanh nghiệp Nhật Bản về tiềm năng của thị trường Việt Nam và hiệu quả của M&A so với các kênh đầu tư khác?

Doanh nghiệp từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau có mối quan tâm và kế hoạch kinh doanh khác nhau tại thị trường Việt Nam. Gần đây, ngoài doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi chứng kiến nhiều hoạt động đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc, Thái Lan trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Các nhà đầu tư châu Âu dường như quan tâm nhiều đến các dự án quy mô lớn.

Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản tập trung vào chiến lược kinh doanh trung và dài hạn. Họ không chỉ tập trung xem xét tiềm năng hợp tác có thể thu được từ các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, mà còn quan tâm đến năng lực lãnh đạo, chất lượng lao động của công ty mục tiêu - yếu tố tiên quyết để xác định văn hóa doanh nghiệp của công ty mục tiêu có phù hợp với chính sách, triết lý kinh doanh của họ hay không.

Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam sẽ luôn đồng hành với hoạt động kinh doanh của họ và luôn mong muốn tìm mọi cách để đóng góp cho sự tăng trưởng đó. Với chuyên môn nổi bật, công nghệ phát triển, kiến thức và kinh nghiệm, chúng tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ góp phần nâng cao vị thế của thị trường Việt Nam cùng với sự đa dạng và phát triển.

Với bản tính tính thận trọng, doanh nghiệp Nhật Bản có thể mất nhiều thời gian để ra quyết định đầu tư hơn các nhà đầu tư đến từ quốc gia khác, song họ lạc quan và tham vọng hơn trong việc dẫn dắt thị trường Việt Nam theo cách riêng của mình. Sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ góp phần củng cố, thắt chặt thêm quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Chat qua zalo