Nhiều doanh nghiệp lấn sân đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp

Thị trường bất động sản công nghiệp đang phát triển nhanh, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê có xu hướng tăng tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có nền công nghiệp phát triển quanh TPHCM và Hà Nội, giá thuê đất công nghiệp tăng trung bình từ 12% đến 25%.

Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng

Thị trường bất động sản công nghiệp trong Quý 3 năm 2022 được các đơn vị nghiên cứu đánh giá có nhiều chuyển biến khởi sắc. Thị trường này tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, phần đông đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan và các nước châu Âu.

Báo cáo cập nhật ngành khu công nghiệp công bố bởi SSI Research đưa ra góc nhìn tích cực về lợi nhuận của nhóm khu công nghiệp trong nửa cuối năm nay cũng như năm 2023.

Theo đó, nửa cuối năm nay, nhóm nghiên cứu kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng 47,3% so với cùng kỳ, nhờ vào hai yếu tố chính: Một là nhu cầu đất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực khi nền kinh tế mở cửa; hai là giá thuê dự kiến tiếp tục tăng trung bình 8 - 20% so với cùng kỳ, tùy khu vực.

Theo hãng quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản Colliers, bất động sản công nghiệp là một trong hai phân khúc dẫn đầu về số lượng giao dịch tại các thị trường trọng điểm của châu Á - Thái Bình Dương. Số lượng đặt hàng tìm kiếm địa điểm thuê trong khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể, đặc biệt là kể từ quý II.

Đơn vị này ghi nhận, tại các khu công nghiệp thuộc 3 thị trường trọng điểm là TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng, giá thuê trung bình trong quý II đã tăng lần lượt là 26%, 10% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam hiện có 291 khu công nghiệp đang hoạt động và 106 khu công nghiệp đang hình thành. Theo Tổng quy hoạch phát triển khu công nghiệp quốc gia đến năm 2030, cả nước sẽ có thêm 267 khu công nghiệp mới, nâng tổng số khu công nghiệp vận hành lên 558 - tương ứng 205.800 ha đất công nghiệp, tạo thêm 7 - 8 triệu việc làm cho lao động trực tiếp.

Tiềm năng tăng giá vẫn lớn 

Colliers dự báo, xét trên bình diện khu vực, dư địa phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ lợi thế vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, nguồn lao động dồi dào, chi phí hợp lý, nhiều điều kiện ưu đãi trong thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển công nghiệp. Đồng thời, tiềm năng tăng giá tương lai là rất hấp dẫn, với mức tăng bình quân vào khoảng 7 - 10%/năm.

Về nhu cầu thuê đất khu công nghiệp, SSI Research dự báo, sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2023 do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng chú ý như, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục. Các chính sách thu hút FDI cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng trong thời gian tới sẽ tạo ra kết nối thuận tiện hơn giữa các khu công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp lấn sân đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp

Chuyên gia bất động sản công nghiệp Đoàn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần IIP cho biết, phân khúc bất động sản công nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước quan tâm, trước những diễn biến bất lợi của thị trường bất động sản thương mại, dân dụng ở Việt Nam thì hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty, công ty lớn ở trong nước đang có kế hoạch tìm hiểu và đầu tư sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang đầu tư lĩnh vực bất động sản.

Cũng theo ông Đoàn Duy Hưng, nhờ sự tăng trưởng liên tục của giá bất động sản công nghiệp cũng như những lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư FDI, sự ổn định trong dài hạn về đầu tư bất động sản công nghiệp nên là động lực rất lớn cho các doanh nghiệp có nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Trong vài năm tới, sẽ có thêm nhiều thương hiệu mới về lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

 

Chat qua zalo