Nhu cầu đầu tư vào các khu công nghiệp ven biển rất lớn
Ngày:20/11/2020 03:45:04 CH
Các chuyên gia và nhà quản lý có chung nhận định này tại Hội thảo về sự trỗi dậy của các khu công nghiệp ven biển được tổ chức vào ngày 19/11 tại Hà Nội.
Đại diện CBRE cho rằng, Trung Quốc và Thái Lan đã gặt hái được những thành công nhất định trong hơn 30 năm phát triển công nghiệp tại các tỉnh ven biển. Theo đó, hóa chất thô, dược phẩm, máy móc, phụ trợ ô tô và điện tử là những ngành chính được ưu tiên thu hút đầu tư tại các khu kinh tế/khu công nghiệp ven biển tại hai quốc gia này. Hơn nữa, các khu kinh tế/khu công nghiệp có vị trí gần biển ở hai quốc gia láng giềng luôn có nhu cầu đầu tư rất lớn với múc giá thuê đất và tỷ lệ lấp đầy ở mức cao hơn hẳn.
Với Việt Nam, các khu kinh tế và khu công nghiệp ven biển sẽ chứng kiến xu hướng tương tự. Đặc biệt, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển được dự báo sẽ đón dòng vốn đầu tư lớn từ cả doanh nghiệp trong nước tiến hành mở rộng sản xuất cũng như đầu tư mới của các tập đoàn đa quốc gia.
Trong bối cảnh nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao đang trở nên khan hiếm thì Quảng Ninh và Hải Phòng, với tiềm lực sẵn có về quỹ đất phát triển công nghiệp, đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp, đặc biệt bất động sản công nghiệp ven biển.
Tính đến hết quý III/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại Hải Phòng mới đạt khoảng 56%, với sự góp mặt của các khu công nghiệp mới của Vinhomes cùng với những khu công nghiệp quy mô lớn nhất miền Bắc như Deep C Hải Phòng I và II.
Còn Quảng Ninh gần đây nổi lên như một tỉnh công nghiệp ven biển. Ngoài khu công nghiệp ven biển Hải Hà, Quảng Ninh dự kiến sẽ cung cấp thêm một lượng lớn quỹ đất công nghiệp trong thời gian tới từ hai khu kinh tế ven biển là Quảng Yên và Vân Đồn. Với những điểm cộng về lợi thế địa lý ven biển; kết nối thuận lợi với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay quốc tế Vân Đồn và sân bay quốc tế Cát Bi, khu kinh tế Quảng Yên được định hướng trở thành động lực tăng trưởng mới thúc đẩy thu hút đầu tư vào Quảng Ninh.
Lý giải về quyết định chọn đầu tư 350 triệu USD vào Việt Nam mới đây mà cụ thể là Quảng Ninh, ông Gienn Hughes, Giám đốc điều hành Logos Việt Nam cho biết: "Từ năm 2017, chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu đầu tư vào thị trường Việt Nam. Qua quá trình phân tích, chúng tôi có rất nhiều lý do để đầu tư vào Việt Nam".
Theo đó, tiêu chí đầu tiên đưa ra quyết định đầu tư của Logos là phục vụ nhu cầu của khách hàng về logistics, nhu cầu của nhà sản xuất, đơn vị xuất nhập khẩu hàng hóa và các đơn vị cung ứng hàng tiêu dùng trong hệ sinh thái. Về vấn đề này, đại diện Logos đánh giá Việt Nam có hệ thái doanh nghiệp đang phát triển rất tốt và được kỳ vọng là điểm đến mới, mục tiêu mới cho các tập đoàn lựa chọn thiết lập cơ sở sản xuất. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số khá lớn và thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên; do đó, Logos nhìn thấy nhu cầu về hàng hóa và nhà kho cũng như dịch vụ logistics cho các công ty dịch vụ và nhà sản xuất ở Việt Nam đang tăng lên.
Về lý do chọn Quảng Ninh là điểm đến đầu tư, đại diện Logos cho rằng tỉnh này là cửa ngõ quan trọng ở phía Bắc và nhiều lợi thế địa lý và hạ tầng giao thông. Hơn nữa, tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh), nhà phát triển bất động sản công nghiệp Deep C đang xây dựng tổ hợp khu công nghiệp gắn liến với cảng biển ở khu kinh tế này nhằm khai thác lợi thế địa lý và tận dụng luồng hàng hải để kết nối cảng nước sâu Lạch Huyện tại Hải Phòng.
Cũng tại hội thảo, đại diện Logos và Deep C đã ký kết thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh. Thỏa thuận này đánh dấu bước phát triển trong hợp tác giữa hai doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và dịch vụ logistics tại Quảng Ninh.