Ninh Bình - Thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2020

Kết quả đạt được năm 2019

Chương trình công tác xúc tiến đầu tư năm 2019 có 8 nội dung với 25 hoạt động cụ thể. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện đúng theo quyết định ban hành quy chế quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư; tập trung vào quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, về các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, kinh doanh cơ sở hạ tâng KCN, CCN, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô. Thực hiện cải cách, giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa liên thông” đối với các dự án đầu tư. Các hoạt động xúc tiến đầu tư đã được triển khai có hiệu quả dẫn đến công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Ninh Bình trong năm 2019 đạt nhiều kết quả tích cực.

Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2019-2020 tỉnh Ninh Bình. Tổ chức các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm về xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đồng thời, tiếp đón, cung cấp tài liệu, giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư, các đoàn ngoại giao đến làm việc tại: Tập đoàn BenQ; Công ty Cổ phần Times Garden Việt Nam và Tập đoàn Khách sạn Marriott,….

Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các Báo, Tạp chí, Đài Truyền hình biên soạn và phát hành các tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức: cập nhật lại video clip– Ninh Bình hội nhập và Phát triển bền vững; thực hiện các chuyên đề về nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên báo Ninh Bình, báo Đầu tư, thông tấn xã Việt Nam, tạp chí Hữu Nghị, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại…

Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 42 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt gần 7,2 nghìn tỷ đồng (trong đó: cấp mới trong các Khu công nghiệp là 8 dự án, tổng vốn đăng ký là 6,3 nghìn tỷ đồng; dự án ngoài các khu công nghiệp là 34 dự án, tổng vốn đăng ký là 823,15 tỷ đồng); cấp mới 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 1,84 nghìn tỷ đồng đưa số dự án FDI của tỉnh Ninh Bình lên 71 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.350 triệu USD trong đó có 40 dự án vốn FDI đăng ký ngoài KCN với tổng số vốn đầu tư là 807,27 triệu USD và 31 dự án trong KCN với tổng vốn đầu tư 542,6 triệu USD. Đã thành lập mới 714 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (tăng 10,52% so với cung kỳ), với tổng số vốn đăng ký đạt 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 2,15% so với cùng kỳ); có 122 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại; 46 doanh nghiệp và 65 đơn vị trực thuộc giải thể; làm thủ tục đăng ký thay đổi cho 442 doanh nghiệp và 139 đơn vị trực thuộc.

Định hướng, giải pháp thúc đẩy xúc tiến đầu tư năm 2020

Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 tiếp tục bám sát và thực hiện đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực có ưu thế của tỉnh, các dự án lớn, nộp ngân sách cao và có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế, ưu tiên thu đầu tư từ Tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật bản, Hàn quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu…Đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó tập trung một giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện các Kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Thứ hai, hướng dẫn, phối hợp với doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN,CCN để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập quy hoạch, triển khai dự án đầu tư hạ tầng để tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba, cập nhật danh mục dự án ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ và các quy hoạch phát triển ngành, địa phương trong tỉnh. Đánh giá kết quả thực hiện thu hút các dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư của cả thời kỳ 2016-2020 để rút kinh nghiệm cho công tác xây dựng danh mục dự án đầu tư của giai đoạn mới 2021-2025.

Thứ tư, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư bằng cách tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn, tọa đàm trong nước; các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước,…

Thứ năm, tăng cường liên kết vùng, gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, để huy động tối đa nguồn lực đầu tư. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, các cơ chế chính sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh trên công thông tin điện tử, trung tâm hành chính công của tỉnh.

Thứ sáu, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành chính, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư. 

Chat qua zalo