‘Phải loại trừ dần các FDI bẩn như sắt, thép, hóa chất, khai khoáng’

Các chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng muốn thay đổi cấu trúc FDI theo hướng thu hút các ngành sạch hơn, không còn cách nào khác là phải phát triển công nghiệp phụ trợ, loại trừ dần những ngành FDI “bẩn” như sắt thép, hóa chất, khai khoáng, dệt nhuộm, giấy. 

Chuyển đổi tư duy về mô hình tăng trưởng bền vững

Theo các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), Việt Nam cần chuyển đổi tư duy và tiếp cận về mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững.

Theo đó, cần xây dựng, cập nhật kế hoạch, lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn diện cấp quốc gia, ngành và địa phương. Từ đó, thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội.

Các chuyên gia cho rằng chuyển đổi nhân tố tăng trưởng chính trong mô hình tăng trưởng và các yếu tố tăng năng suất theo hướng xanh hóa, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.

“Sự lựa chọn thông minh của Việt Nam là từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào tận khai tài nguyên mà chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trình độ khoa học công nghệ. Đầu tư vào con người và công nghệ là chiến lược được nhiều quốc gia đã và đang phát triển sử dụng”, chuyên gia của NEU nêu.

Chuyên gia của NEU cũng khuyến nghị thu hút FDI sạch và chuyển dịch vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị theo hướng bảo vệ môi trường. Hiện nay, vấn đề mấu chốt là Việt Nam chưa phát triển những ngành công nghiệp hỗ trợ, vốn là nền tảng của các ngành công nghiệp sạch.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ

Vì vậy, muốn thay đổi cấu trúc FDI theo hướng thu hút các ngành sạch hơn, không còn cách nào khác là phải phát triển công nghiệp phụ trợ, song song với việc loại trừ dần những ngành FDI "bẩn" như sắt thép, hóa chất, khai khoáng, dệt nhuộm, giấy.

Bên cạnh việc lồng ghép những yêu cầu về quy trình và tiêu chuẩn quản lý môi trường trong việc xét duyệt và lựa chọn dự án FDI, Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài nên bổ sung các chính sách khuyến khích các ngành sạch, thân thiện môi trường.

Tiếp theo, cần tận dụng quá trình hội nhập thương mại quốc tế để bảo vệ môi trường; tuân thủ các quy định về môi trường trong thương mại là một thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội cho Việt Nam để cải thiện chất lượng môi trường.

“Áp lực của thị trường tiêu thụ, thị hiếu lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm xanh, an toàn và rủi ro kinh tế từ việc không tuân thủ các quy định môi trường buộc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuyển mình theo hướng thân thiện hơn, trong đó phải bảo vệ môi trường để đáp ứng các đòi hỏi của thị trường nhập khẩu hàng hóa”, theo chuyên gia của NEU.

Nhằm thúc đẩy và tháo gỡ những khó khăn cho các hoạt động hỗ trợ tài chính cho các dự án tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, các chuyên gia đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam. Điều này làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Trước mắt, các lĩnh vực ưu tiên của nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam nên là những ngành có tác dụng tích cực đến khí hậu và môi trường, đồng thời có khả năng tạo ra lợi nhuận.

Ví dụ như ngành năng lượng tái tạo; những ngành nâng cao hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (cụ thể là các ngành xi măng, sắt thép, xây dựng tòa nhà tiết kiệm năng lượng…); ngành nông nghiệp xanh, du lịch xanh; giao thông đô thị; ngành tiêu dùng bền vững.

Đối với các tổ chức tín dụng, cần xác định hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh là xu thế, yêu cầu để hướng đến phát triển bền vững. Song song với đó, cần đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về môi trường, nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu cấp tín dụng xanh, huy động tài chính xanh.

Về phía doanh nghiệp thực hiện dự án xanh, chuyên gia của NEU cho rằng cần phối hợp cung cấp đầy đủ các thông tin về môi trường liên quan để được tổ chức tín dụng thẩm định cho vay thực hiện dự án, kiểm soát chất lượng khoản vay; nâng cao trách nhiệm ý thức bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án.

 

Chat qua zalo