Phát triển công nghiệp Việt Nam theo hướng nào sau đại dịch?
Ngày:16/07/2020 08:42:02 SA
Hậu Covid-19, hàng loạt quốc gia đang phải nỗ lực hàn gắn chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này gây tác động mạnh mẽ tới quyết định của các Nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Hầu hết các Nhà đầu tư đều thể hiện rõ mong muốn đa dạng hoá địa điểm đầu tư, tránh tình trạng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự lung lay của một nền kinh tế/quốc gia nào đó.
Trước bối cảnh này, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là: phát triển công nghiệp Việt Nam theo hướng nào sau đại dịch sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, nắm lấy cơ hội vàng hút vốn FDI trong công cuộc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc của các ông lớn trong ngành sản xuất? Bài viết dưới đây IIP VIETNAM sẽ cùng bạn đọc thảo luận chi tiết về những hướng đi được đánh giá là khả thi nhất.
Xu hướng phát triển công nghiệp Việt Nam sau đại dịch
THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH, HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ
Theo ý kiến của IIP, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển Khu công nghiệp, tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch Khu công nghiệp, đổi mới mô hình Khu công nghiệp hiện tại (đa ngành) và phát triển một số mô hình Khu công nghiệp mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn.
Hiện nay, chất lượng quản lý Khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp". Thủ tục hành chính quản lý các Khu công nghiệp vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều thủ tục. Việt Nam cần có quy hoạch, cần thay đổi nếu không sẽ lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trước tiên chúng ta cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp phân cấp phê duyệt đầu tư, tinh gọn quy trình, thủ tục về đầu tư nước ngoài, gắn với đẩy mạnh cải cách Thủ tục hành chính một cách thực chất; công bố qui định, qui trình một cách công khai, minh bạch; khẩn trương có biện pháp ngăn ngừa hình thức thâu tóm, đầu tư chui hoặc núp bóng (gắn với yêu cầu an ninh, quốc phòng và bất động sản);
ĐÀO TẠO NHÂN LỰC TRONG NƯỚC VÀ TẬP HỢP NGUỒN LỰC LAO ĐỘNG TỪ NƯỚC NGOÀI
Ở góc nhìn doanh nghiệp, IIP VIETNAM cho rằng, Việt Nam cần tìm kiếm nguồn nhân lực lành nghề có sẵn hay tập hợp các nguồn lực lao động từ nước ngoài có tay nghề và thiết lập hệ sinh thái (nhà ở công nhân, khu vực văn hoá, logistic ...). Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần xem xét:
- Thành lập thêm các trường nghề, tạo điều kiện để nâng cao tay nghề chính thống, hỗ trợ trong tương tác giữa các Trường - Địa phương - Doanh Nghiệp để đào tạo lực lượng quản lý cấp trung, nhân lực lành nghề.
- Có chính sách, gói hỗ trợ đào tạo nhân lực có tay nghề
- Làm rõ các ưu đãi trong cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mà doanh nghiệp được hưởng, bao gồm cả thủ tục hồ sơ liên quan đến miễn tiền sử dụng đất.
- Đề xuất cho doanh nghiệp sản xuất trong các Khu công nghiệp có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua nhà ở xã hội để cho công nhân ở.
- Sửa đổi quy định tại Nghị định 123/2017/NĐ-CP là trong vòng 20 ngày kể từ ngày được giao đất, doanh nghiệp phải có danh sách người lao động mua nhà mới được hưởng các ưu đãi đất đai.
PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP THEO CHIỀU SÂU: ĐẢM BẢO TÍNH BỀN VỮNG, LIÊN KẾT, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Dựa vào những nghiên cứu nhiều năm trong ngành bất động sản công nghiệp, IIP VIETNAM cho rằng, phát triển về số lượng và quy mô khu công nghiệp phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính.
Theo góc nhìn của IIP VIETNAM, hiệu quả của Khu công nghiệp không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước… mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế và liên kết được giữa các địa phương trong vùng.
Đặc biệt phải thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chuyển dịch cơ cấu dự án trong khu công nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Đồng thời, đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân trong xây dựng và phát triển khu công nghiệp.
Ngoài ra, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp gắn với hạ tầng xã hội đảm bảo hoạt động của khu công nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp…
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN CẢ NƯỚC
Sau đại dịch, Việt Nam cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN): các KCN cần ưu tiên mở rộng/ xây mới, các KCN cần thu hẹp, thu lại; công bố danh sách các KCN có quỹ đất sạch, Cơ sở hạ tầng sẵn sàng…v.v.; Ngoài ra cần phê duyệt sẵn quy hoạch các khu công nghiệp trên cả nước, đảm bảo tính liên kết giữa các tỉnh, các khu công nghiệp quy hoạch cần thuận tiện giao thông, gần sân bay, cảng biển để thu hút các Nhà đầu tư.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Cùng với tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tuy đã có những bước tiến nhất định, song vẫn là ngành chậm phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Nghiên cứu thực tiễn phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, IIP đề xuất một số giải pháp nhằm giúp ngành công nghiệp này phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả.
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách phát triển CNHT: Trước mắt, cần điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP liên quan đến phạm vi CNHT; làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như: Cơ khí, ô tô, dệt may, da – giày, điện tử; nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm… nhằm tạo thị trường cho các ngành CNHT phát triển, bao gồm các chính sách về thị trường, phòng vệ thương mại và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DN. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ khi Việt Nam tiến hành hội nhập thông qua các Hiệp định thương mại tự do, Chính phủ cần xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành CNHT phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước…
Thứ hai, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các DN CNHT trong nước. Đồng thời, khuyến khích các địa phương xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng, đầu tư các nguồn lực trên địa bàn, gắn với việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách CNHT đến các DN trên địa bàn để DN tiếp cận đầy đủ các chính sách của Nhà nước.
Thứ ba, xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và CNHT có thời hạn đến năm 2025.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách phát triển CNHT để thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào phát triển CNHT; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN CNHT Việt Nam và cụm liên kết nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam; Triển khai hiệu quả các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết giữa DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; Xúc tiến kết nối đầu tư tại thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hoá và mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm CNHT…
Thứ năm, tăng cường tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu và hỗ trợ chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến cho các DN sản xuất sản phẩm CNHT trong nước, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN CNHT.
THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
Ngoài 3 loại hình tổ chức xúc tiến đầu tư cơ bản, nếu Việt Nam muốn thu hút và giữ chân các nhà đầu tư lớn (tái đầu tư), thì chúng ta cần chăm sóc nhà đầu tư tốt hơn bằng cách đổi mới cơ chế xúc tiến đầu tư bất động sản công nghiệp như:
Xúc tiến đầu tư bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0:
Để hỗ trợ toàn diện nhất cho các hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp, IIP VIETNAM đề xuất phương thức xúc tiến đầu tư bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0, cho phép các nhà xúc tiến đầu tư bất động sản công nghiệp mang hình ảnh không gian, hiện trạng thực tế 3 chiều cũng như các thông số thửa đất của Khu công nghiệp/ Cụm công nghiệp đến với khách hàng. Chủ đầu tư chỉ cần xây dựng môi trường không gian ảo với các thiết bị tích hợp là có thể tổ chức các chuyến tour tham quan dự án tại bất kỳ địa điểm dự án nào trên toàn thế giới, thậm chí thực hiện toàn bộ giao kết, thanh toán hợp đồng Online.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản công nghiệp còn giúp cho Chủ đầu tư quản lý, vận hành và phát triển dự án một cách thông minh hơn. Đồng thời tăng cường khả năng minh bạch thông tin thị trường, khi tất cả các thông tin của chủ đầu tư được minh bạch hóa và thể hiện trên website để khách hàng kiểm chứng và so sánh. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với vấn nạn thiếu thông tin rõ ràng của các dự án.
Kết hợp Nhà nước và Doanh nghiệp cùng tham gia xúc tiến đầu tư
Bên cạnh đó để chăm sóc nhà đầu tư tốt hơn, Nhà nước có thể kết hợp với các tổ chức xúc tiến đầu tư tư nhân để đảm bảo các hoạt động pháp lý diễn ra thuận lợi, ngược lại các doanh nghiệp tư nhân sẽ phụ trách các hoạt động marketing, tài trợ khuyến khích, bảo hộ, hay thương thảo với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn đầu tư.
Theo đó các cơ quan Chính phủ cần có các cơ chế trích thưởng trực tiếp sau mỗi dự án thành công cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ liên quan tới vấn đề tài chính, mà còn hàm ý nếu các cơ quan xúc tiến đầu tư muốn thu hút và giữ chân các nhà đầu tư lớn (tái đầu tư), thì họ sẽ phải chăm sóc nhà đầu tư tốt hơn. Như vậy, môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững hơn.
Tìm hiểu thêm thông tin thị trường bất động sản công nghiệp tại đây