Phát triển công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Tăng trưởng cao nhưng quy mô còn nhỏ

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước, hàng năm cung cấp khoảng 50% sản lượng lúa, 52% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước. Đây là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp nông thôn, đặc bịêt là công nghiệp chế biến nông sản, chế biến thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Những năm gần đây, công nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ phát triển cao, bình quân tăng 21,8%. Đến đầu năm 2009, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 99.966 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, tăng 15.931 cơ sở so với năm 2005. Trong đó tăng nhiều nhất là thành phần kinh tế ngoài quốc doanh (tăng 15.902 cơ sở), chủ yếu là kinh tế cá thể (13.934 cơ sở). Kinh tế có vốn dầu tư nước ngoài tăng bình quân 21,7%/năm nhưng số lượng còn hạn chế (đến cuối năm 2008 có 83 cơ sở). Toàn vùng hiện có 65 Khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích 26.511ha, trong đó có 52 khu đang hoạt động với diện tích 16.594 ha, thu hút 574 dự án đầu tư (có 140 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 2,795 tỷ USD. Tổng số cụm công nghiệp đã được quy hoạch là 206 cụm, diện tích 33.044 ha, trong đó có 67 cụm đang xây dựng với tổng diện tích 9.754 ha. Hiện có 32 cụm đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.816 ha, tổng vốn đầu tư 46.373 tỷ đồng, thu hút 109 dự án trong đó có 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho 52.400 lao động.

Chế biến thủy sản xuất khẩu là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu công nghiệp trong vùng. Tòan vùng hiện có 133 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất trên 690.000T/năm. Sản phẩm chủ yếu là cá tra fillet, tôm đông lạnh, mực, sản lượng năm 2008 đạt khoảng 597.600T, tăng bình quân 21% trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2008.

Chế biến rau quả cũng là thế mạnh của vùng với sản lượng rau quả đóng hộp đạt 14.709T năm 2008. Trong đó doanh nghiệp có quy mô lớn nhất là Công ty CP rau quả Tiền Giang có tổng công suất chế biến rau quả hộp, đông lạnh, cô đặc khoảng 15.000 T/năm.

Ngành xay xát lương thực là ngành nghề truyền thống trong vùng, số cơ sở xay xát phân bố đều khắp các tỉnh, thành phố với nhiều loại máy có công suất khác nhau phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng xay xát năm 2009 đạt 7.883.000T.

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Ngoài các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của toàn vùng như: chế biến thủy sản, chế biến rau quả, chế biến gạo xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu công nghiệp toàn vùng, mỗi tỉnh đều có những sản phẩm đặc trưng như: rượu đế Gò Đen (Long An); bánh phồng Cái Bè, hủ tiếu Mỹ Tho, Mắm tôm chà Gò Công (Tiền Giang); kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lòng, Bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre); Khô, mắm và đồ mộc (An Giang); Than đước, ghe xuồng (Hậu Giang); Bánh pía, lạp xưởng (Sóc Trăng)...

Làng nghề cũng rất phong phú. Đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long có 161 làng nghề, trong đó có 133 làng nghề đã được công nhận, thu hút 84.500 lao động. Trong đó, làng nghề đan lát chiếm tỷ trọng cao nhất, do những năm gần đây thị trường xuất khẩu ưa chộng hàng thủ công thân thiện với môi trường. Hầu như địa phương nào ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có làng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lục bình, bẹ chuối, lác.. Trong lĩnh vực thương mại, đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 1.625 chợ, chiếm 19,5% tổng số chợ của cả nước, trong đó, chợ nông thôn là 1.290 chợ ( chiếm gần 80%) và một số chợ đầu mối gạo, rau quả, thủy sản quy mô lớn.

Cơ cấu kinh tế trong vùng có sự chuyển biến theo hướng tích cực. So với năm 2005, tỷ trọng công nghiệp trong GDP năm 2008 tăng từ 18,1% năm 2005 lên 19,7%, tỷ trọng dịch vụ từ 31,3% lên 33,6% và tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 46,9% xuống còn 42,7% . Tuy nhiên quy mô kinh tế còn nhỏ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng năm 2008 đạt 92.521 tỷ đồng, đứng thứ 3 sau vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, và thấp hơn nhiều so với TP.Hồ Chí Minh. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt 5,274 tỷ USD, bình quân 324USD/người, thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước (727USD/người).

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh của sản phẩm không cao. Cơ sở hạ tầng thương mại còn yếu, chưa đáp ứng việc hình thành và phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ toàn vùng. Công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chưa đạt yêu cầu. Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng rõ rêt, nếu không có chính sách kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn và lâu dài đến phát triển kinh tế – xã hội trong vùng.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu nhấn mạnh: công nghiệp và thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Để đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp và thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và chính sách như: đẩy mạnh cải cách hành chính; Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; Nâng cao chất lượng việc lập quy hoạch và thực hiện qui hoạch; Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; Thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu của Chính phủ, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh công tác khuyến công để phát triển nhanh công nghiệp và các làng nghề. Đầu tư phát triển chợ, trung tâm thương mại, nghiên cứu chuyển mô hình quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp, kết hợp giữa chợ truyền thống với hiện đại để phát huy hiệu quả.


 Nguồn: báo công thương

Chat qua zalo