Phát triển nguồn nhân lực trong khu công nghiệp: Cầm vàng còn sợ vàng rơi
Ngày:17/06/2021 11:25:43 SA
Tiếp tục loạt bài liên quan đến vấn đề xây dựng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thành Phương, TGĐ Tập đoàn Sao Đỏ, đại diện chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ để hiểu hơn về vấn đề này.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ
- Quản lý nguồn nhân lực là một vấn đề quan trọng tuy nhiên lại đang tồn tại khá nhiều bất cập. Theo ông, điều cần thiết nên làm bây giờ là gì?
Việc quản lý nguồn nhân lực có ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, tinh thần và năng suất lao động nên đây là một chuỗi các hoạt động liên tiếp, ảnh hưởng qua lại với nhau. Chuỗi hoạt động này bao gồm đào tạo, tuyển dụng, quản lý, kiểm soát, chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Tuy nhiên, đào tạo ra sao để cung và cầu gặp được nhau, giảm gánh nặng đào tạo lại cho chủ sử dụng lao động thì Việt Nam đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện nhưng vẫn còn chưa có hiệu quả cao.
Để vấn đề này trở nên dễ dàng hơn, theo tôi cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng – khách hàng – cơ quan quản lý – cơ sở đào tạo. Với bất cứ dự án hạ tầng KCN mới được hình thành hoặc đang chuẩn bị đầu tư thì chủ đầu tư đều phải có định hướng thu hút khách hàng ban đầu, và lĩnh vực thu hút đầu tư chủ đạo của KCN đó. Đây sẽ là đề bài đặt ra cho cơ quan quản lý là Ban quản lý các KCN, từ đó đặt hàng với các cơ sở đào tạo nghề, các trường cao đẳng, đại học để có định hướng, chương trình đào tạo phù hợp.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng đang ngày càng thu hẹp và các địa phương lân cận đang phải cạnh tranh giữ lại nguồn lao động nội tỉnh có chất lượng, và có nhiều cơ chế hỗ trợ để thu hút lao động chất lượng từ địa phương khác đến, thì yếu tố đào tạo lại càng phải được đề cao. Hay nói cách khác, những doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng như chúng tôi phải tham gia sâu hơn, phải trở thành cầu nối tốt giữa các chủ sử dụng lao động với đơn vị đào tạo nhân lực.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam, Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà
Mặt khác, để giữ chân người lao động có chất lượng thì yếu tố đảm bảo về nơi ăn, chốn ở, đời sống tinh thần thì chủ đầu tư hạ tầng KCN có thể cùng với các nhà máy xây dựng các khu nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị và các công trình thương mại dịch vụ, công trình văn hóa, thể thao cho người lao động. Điều này thực sự đã cho thấy sự cần thiết khi dịch bệnh bùng phát tại một số KCN. Việc người lao động ngoại tỉnh thuê trọ ở bên ngoài, nên khi có ca bệnh xảy ra đã rất khó truy vết, khoanh vùng cũng như tiến hành cách ly, gây khó khăn trong việc cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Quản lý nguồn nhân lực còn là biện pháp kiểm soát an ninh, an toàn trật tự xã hội trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp. Tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Ban công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được thành lập, trong đó có một số nhiệm vụ liên quan như: thường xuyên nắm bắt tình hình, sức khỏe, lịch trình di chuyển của lao động thuộc thẩm quyền quản lý; Thực hiện công tác tuyên truyền và thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến tình hình dịch bệnh để nâng cao ý thức và trách nhiệm của người lao động; Có kế hoạch phòng chống dịch để kịp thời ứng phó với tình hình dịch bệnh có diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.
- Tôi được biết, hiện Chính phủ cũng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư hạ tầng KCN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế?
Đúng vậy. Tuy nhiên, với các KCN hiện hữu thì việc bố trí quỹ đất là rất khó, nếu phải điều chỉnh quy hoạch KCN thì sẽ mất rất nhiều thời gian thực hiện thủ tục. Vậy nên chính quyền địa phương cần phải rà soát và sớm bổ sung quỹ đất để kêu gọi đầu tư những công trình dạng này nhằm phục vụ người lao động trong các KCN. Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách hỗ trợ về tài chính cho nhà đầu tư các công trình nhà ở, dịch vụ cho người lao động trong KCN để giảm thời gian thu hồi vốn đầu tư dự án.
Một góc KCN Nam Đình Vũ
Nếu chủ đầu tư hạ tầng có thể làm tốt phần dịch vụ về quản lý và cung cấp nguồn nhân lực cho các nhà máy trong KCN thì sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả, lợi nhuận.
- Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, việc quản lý nguồn nhân lực được xem là rất cấp thiết. Trong trạng thái bình thường thì như thế nào thưa ông?
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 05 năm 2021, trên địa bàn cả nước hiện có 394 KCN và hàng nghìn cụm công nghiệp (CCN) lớn nhỏ được thành lập thu hút hàng chục nghìn lao động đến làm việc quanh mỗi KCN.
Tại một số địa phương, tỷ lệ thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn KCN, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu Ngân sách nhà nước. Nhiều KCN có những nhà máy sản xuất các linh kiện nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Nên chỉ cần 1 nhà máy bị gián đoạn sản xuất sẽ dẫn đến sự đứt gãy trong sản xuất, gây thiệt hại lớn cho kinh tế địa phương và doanh nghiệp.
Những ngày gần đây, Bắc Giang đã trở thành điểm nóng Covid-19 khi 4 KCN: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng đều “thất thủ”. Trong đó, KCN Quang Châu với công ty TNHH Hosiden Việt Nam được đánh giá là ổ dịch phức tạp vì có đến 6.000 công nhân. Ngoài ra, các KCN khác cũng có số công nhân lên đến hàng chục ngàn người khiến dịch bệnh lây lan chóng mặt. Tình trạng này buộc cơ quan chức năng phải cách ly, phong tỏa, kéo theo đó là thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống công nhân.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đang trong những ngày nóng nhất của dịch COVID-19. Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, hiện Bắc Ninh đang có 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động với 332 nghìn công nhân, trong đó số lượng công nhân tỉnh ngoài là hơn 70%. Với số công nhân ngoại tỉnh lớn như vậy, việc truy vết, kiểm soát là rất khó nếu không có hệ thống quản lý rõ ràng.
Đó là tình huống xấu trong bối cảnh dịch bệnh. Còn trong trạng thái bình thường, nếu tình trạng doanh nghiệp phá sản, hoặc “bỏ trốn” về nước thì hàng trăm, hàng nghìn người lao động có nguy cơ bị bỏ rơi, nợ lương, nợ bảo hiểm. Những lúc như thế, chẳng khác nào cơ quan quản lý “thả gà ra đuổi”, người khổ nhất vẫn chính là người lao động. Nếu như trong lúc đó, cán bộ công nhân viên họ đã có sẵn nhà ở, hoặc đã thuê mua các căn nhà trong các KCN rồi thì họ cũng không quá bất an trong việc chủ động tìm một công việc mới. Trong lúc chờ cơ quan quản lý thu xếp các vấn đề quyền lợi cho người lao động thì chủ đầu tư hạ tầng có thể liên hệ với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực để kết nối giúp người lao động tìm một công việc mới.
Quản lý nguồn nhân lực tại các Khu công nghiệp là vấn đề rất quan trọng hiện nay. Nếu không giải quyết nhanh thì những hệ luỵ về an sinh xã hội là hoàn toàn có thể xảy ra và thực tế đã xảy ra. Để làm tốt việc quản lý nhân lực không những cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Chủ đầu tư khu công nghiệp - đơn vị quản lý nhân lực độc lập mà còn cần có sự hỗ trợ, chỉ đạo sát sao từ phía các cơ quan quản lý địa phương. Từ đó mới cung cấp được nguồn lao động có chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
- Là một doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN, Tập đoàn Sao Đỏ đã quản lý nguồn nhân lực trong KCN như thế nào thưa ông?
Hiện KCN Nam Đình Vũ của chúng tôi đã cơ bản lấp đầy giai đoạn I, và đang hoàn thiện hạ tầng của giải đoạn II để bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp. Để thu hút được những nhà đầu tư chất lượng, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của chính quyền thành phố, bên cạnh việc chú trọng đầu tư hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại cung cấp các dịch vụ như duy tu h ạ tầng, xử lý nước thải, cung cấp điện nước, hệ thống kho bãi, dịch vụ cảng biển, hậu cần cảng. Việc quản lý nguồn nhân sự tại KCN Nam Đình Vũ luôn được quan tâm, chúng tôi luôn đồng hành và đi cùng với các nhà đầu tư trong công tác hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo và quản lý.
Nam Đình Vũ luôn hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tuyển dụng lao động – nhất là với những dự án mới, bằng việc tổ chức hoặc tham gia những chương trình như Ngày hội việc làm, Ngày hội tuyển dụng.
Chúng tôi cũng đã triển khai ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ với các trường đại học – cao đẳng nghề trên địa bàn Thành phố Hải Phòng về việc “Hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong công tác tuyển dụng, dịch vụ đào tạo. Trong đó Khu công nghiệp Nam Đình Vũ có trách nhiệm cung cấp các thông tin tuyển dụng của các nhà đầu tư cho các trường cao đẳng – đại học trên địa bàn; Hỗ trợ, tư vấn các nhà đầu tư trong việc sử dụng các dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy, môi trường, nội quy khu công nghiệp…; Kết nối giữa các trường với các nhà đầu tư tại khu công nghiệp trong công tác đào tạo, thực tập, tuyển dụng lao động;
Chúng tôi cũng đã làm việc với Trung tâm xúc tiến và đầu tư dịch vụ việc làm của Heza Hải Phòng đối với việc cung cấp nguồn nhân sự cho Khu công nghiệp, qua đó có tổng hợp dự báo nguồn lao động tại địa phương, để có kế hoạch sử dụng, thu hút nguồn nhân lực không chỉ tại Hải Phòng mà còn từ các tỉnh lân cận. Sau đó, sẽ có các hoạt động: tổ chức đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng làm việc, ngoại ngữ…nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và giúp nâng cao hiệu suất công việc cho doanh nghiệp.
-Vâng, xin cảm ơn ông!