Phú Thọ phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
Ngày:22/02/2020 11:34:09 SA
Phú Thọ phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
(MPI) - Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, chiều ngày 19/02/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh Phú Thọ để trao đổi về một số nội dung liên quan đến xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; tình hình triển khai lập Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Phú Thọ.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, kết quả đạt được đến hết năm 2019, dự kiến thực hiện năm 2020, ước thực hiện 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,2%/năm (kế hoạch 7,5%/năm). Quy mô GRDP năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt trên 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6 lần, GRDP bình quân đầu người đạt 47,32 triệu đồng, tăng 15,8 triệu đồng so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (từ 76% năm 2015 lên 80% năm 2020), giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (từ 24% năm 2015 xuống còn 20% năm 2020).
Về sản xuất công nghiệp - xây dựng duy trì đà tăng trưởng khá, tăng 11,2%/năm (kế hoạch 9,5%/năm). Hoàn thành, đưa vào sản xuất một số dự án đầu tư (trong đó có những sản phẩm mới, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường: Sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, sản xuất thuốc và thiết bị y tế,...) đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách.
Về khu vực dịch vụ, thương mại đạt tốc độ tăng trưởng 7,5%/năm, giá trị tăng thêm của ngành tăng 1,62 lần so với năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng xã hội tăng 11,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 2,2 tỷ đô la, tăng 2,4 lần so năm 2015.
Về sản xuất nông lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt 4,3%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực; ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 116 xã đạt và 59 xã cơ bản đạt chuẩn; bình quân một xã đạt 15,5 tiêu chí; 04 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm ước đạt 130 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm, vượt 36% so với mục tiêu kế hoạch. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân ước đạt 10,1%/năm, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, ưu tiên cho đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu chi thường xuyên.
Về tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công, lũy kế số vốn kế hoạch trung hạn đã được giao đến nay: Tổng số 13.067 tỷ đồng (bao gồm dự phòng), cụ thể: Hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 2.817 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia: 1.921 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ: 960 tỷ đồng, hỗ trợ người có công với cách mạng: 232 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA: 2.149 tỷ đồng, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương: 4.988 tỷ đồng.
Tỉnh Phú Thọ đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện các chương trình, dự án, hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy và tạo điều kiện liên kết giữa các vùng, hỗ trợ các địa phương phát triển các ngành, nghề trọng điểm, phát huy lợi thế so sánh, hỗ trợ các vùng khó khăn, phát triển khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, tạo động lực xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thị sát công trường xây dựng Hồ thủy lợi Ngòi Giành. |
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, tỉnh Phú Thọ đã đưa ra một số định hướng trong thời gian tới cụ thể: Đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Cải cách hành chính; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh) tăng bình quân 7,5%/năm trở lên. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm từ 82% trở lên. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt trên 3,8 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 190 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên.
Về định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Trong đó, vốn đầu tư công tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án trọng điểm tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển.
Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác. Đồng thời, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế, các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng thuộc ngành y tế, giáo dục, văn hóa…
Về định hướng quy hoạch tỉnh Phú Thọ, đến năm 2030 Phú Thọ phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, thành phố Việt Trì trở thành trung tâm Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam - địa danh mang tính biểu tượng hội tụ tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Đến năm 2050, Phú Thọ trở thành một trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ, thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã giúp Phú Thọ đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Bên cạnh khó khăn, tỉnh Phú Thọ có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, đất đai, đặc biệt là có một nguồn vốn rất quý là 2 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vì vậy, phải làm sao để phát huy được những lợi thế, biến tiềm năng thành động lực để sớm đạt được mục tiêu đến năm 2030 Phú Thọ trở thành trung tâm vùng kinh tế trung du và miền núi Bắc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư