Phương Tây không thể làm ăn bình thường với Trung Quốc sau đại dịch?

“Chắc chắn Anh không thể làm ăn bình thường với Trung Quốc sau đại dịch (No business as usual with China after COVID-19)”, đấy là phát biểu của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tại cuộc họp báo ở London ngày 16/4, ngay sau cuộc điện đàm với các lãnh đạo G7, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Dominic đã lý giải như sau: COVID-19 đã dạy chúng tôi về giá trị và tầm quan trọng của sự hợp tác. Nước Anh không thể phụ thuộc vào Trung Quốc vì Trung Quốc đã không chơi theo luật của Anh. Việc rõ nhất là Anh phải xem xét lại việc dùng công nghệ 5G của Huawei.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn đi một bước nhanh và quyết liệt hơn: ngày 19/4 đã tuyên bố tài trợ 2.4 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển các nhà máy từ Trung Quốc về Nhật Bản và sang các nước Đông Nam Á, mục tiêu là nhằm giảm thiểu rủi ro bị gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mỹ cũng như nhiều nước phương tây khác cũng công khai chiến lược chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, đặc biệt sẽ chuyển về chính quốc những mặt hàng liên quan đến an ninh quốc gia.

Đấy là những phản ứng chính thức từ chính phủ các nước phương tây, phía dư luận và dân chúng còn phản ứng mạnh mẽ hơn. Tập đoàn luật sư Berman ở Florida đã thu thập 10.000 chữ ký kiện và yêu cầu Trung Quốc đền bù 6.000 tỷ USD cho những thiệt hại về người và kinh tế do COVID-19 gây ra; Một tờ báo ở Berlin còn làm ngay cái bill 130 tỷ EURO (140 tỷ USD) yêu cầu Trung Quốc trả nước Đức. Chưa hết họ còn đề nghị thành lập Toà Án Công lý Quốc tế để xử Trung Quốc về vụ COVID-19 này.

Việt Nam tận dụng cơ hội để bứt phá

Có lẽ không có thời điểm nào mà cơ hội bứt phá mạnh mẽ của Việt Nam lại rõ nét nhất như thời điểm này.

Với việc đã cơ bản khống chế được COVID-19 lây lan trong nội địa, Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn sống chung với COVID-19, khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng ta đang đứng trước những cơ hội to lớn gần như đã nắm chắc trong tay.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế và cơ hội nhất trong làn sóng di chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc lần thứ hai sau đại dịch COVID-19.

Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh với thế giới về năng lực phán đoán, điều hành, ra quyết định, cùng các biện pháp đối phó trước nghịch cảnh, khó khăn.

Hơn thế nữa chiến dịch “ngoại giao khẩu trang”, cùng với khẩu trang, bộ đồ bảo hộ y tế, kít xét nghiệm chất lượng cao của Việt Nam là một hình ảnh đẹp, trái ngược với hình ảnh bắt chẹt, tăng giá bán khẩu trang, thiết bị y tế, cũng như cung cấp hàng hoá kém chất lượng của Trung Quốc.

Rõ ràng Việt Nam đã chứng tỏ rằng mình là một đối tác thân thiện, tử tế và tin cậy. Chính vì vậy mà nhiều nhà phân tích đã nhận định “Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ sự đa dạng hóa này vì Việt Nam đã chứng tỏ sự thân thiện trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế đối với các công ty phương Tây. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam sẽ là lựa chọn đầu tiên khi họ tìm một sự thay thế đáng tin cậy”.

Trở ngại lớn nhất của chúng ta chính là năng lực hấp thụ sự chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc, trình độ công nghệ và công nghiệp phụ trợ để đảm bảo chuỗi cung ứng. Để vượt qua trở ngại này, chúng ta cần sự hợp tác của Mỹ và các nước phương tây về công nghệp (như vụ cùng Dupont sản xuất bộ đồ bảo hộ y tế) và liên kết với các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia để đảm bảo qui mô lớn tương đương qui dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam cùng với người dân Việt Nam sẽ đoàn kết, thống nhất một lòng, tận dụng thật tốt cơ hội ngàn vàng này, đây là dịp Việt Nam chúng ta bứt phá, tiến lên tiếp cận dần quốc gia kinh tế phát triển, trở thành Hàn Quốc của những thập niên 1970-1980.

Cứ thể hiện những tố chất tốt đẹp nhất của người Việt như những ngày chống COVID-19 vừa qua, tại sao chúng ta không làm được nhỉ?

Nguồn: enternews.vn

Chat qua zalo