Quản lý nguồn nhân lực trong khu công nghiệp: Không bây giờ thì bao giờ?

Sau 30 năm phát triển, khu công nghiệp (KCN) đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các KCN đang để lộ điểm yếu về quản lý nguồn nhân lực, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 05 năm 2021, trên địa bàn cả nước hiện có 394 KCN và hàng nghìn cụm công nghiệp (CCN) lớn nhỏ được thành lập thu hút hàng chục nghìn lao động đến làm việc quanh mỗi KCN. Trong giai đoạn 2016-2019, KCN, khu kinh tế nộp ngân sách trên 400 nghìn tỷ đồng.

Tại một số địa phương, tỷ lệ thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn KCN, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu Ngân sách nhà nước. Mặc dù rất ấn tượng nhưng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, những nhà quản lý đã phải suy nghĩ lại về cách vận hành KCN để không chỉ phát triển kinh tế mà còn đảm bảo sự ổn định xã hội. 

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ lỗ hổng quản lý nguồn nhân lực KCN 

Những ngày gần đây, Bắc Giang đã trở thành điểm nóng COVID-19 khi 4 KCN: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng đều “thất thủ”. Trong đó, KCN Quang Châu với công ty TNHH Hosiden Việt Nam được đánh giá là ổ dịch phức tạp vì có đến 6000 công nhân. Ngoài ra, các KCN khác cũng có số công nhân lên đến hàng chục ngàn người khiến dịch bệnh lây lan chóng mặt. Tình trạng này buộc cơ quan chức năng phải cách ly, phong tỏa, kéo theo đó là thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống công nhân.

Tuyển dụng công nhân cho khu công nghiệp

Tỉnh Bắc Ninh cũng đang trong những ngày nóng nhất của dịch COVID-19. Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, hiện Bắc Ninh đang có 1600 doanh nghiệp đang hoạt động với 332 nghìn công nhân, trong đó số lượng công nhân tỉnh ngoài là hơn 70%. Với số công nhân ngoại tỉnh lớn như vậy, việc truy vết, kiểm soát là rất khó nếu không có hệ thống quản lý rõ ràng.

Trước đó, vào đợt bùng dịch thứ 3, tỉnh Hải Dương cũng phải dừng hoạt động KCN Cộng Hòa, TP.Chí Linh và một số KCN khác để kiểm soát dịch bệnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.664 tỷ đồng, giảm 45,8% so với cùng kỳ trung bình 10 ngày tháng 2/2020. Chắc chắn việc ngừng hoạt động các KCN cũng chiếm phần không nhỏ trong thiệt hại này.

Bên cạnh nguyên nhân do dịch bệnh, công tác quản lý nguồn nhân lực còn giúp bảo đảm chất lượng công nhân nhờ hệ thống tiêu chuẩn tuyển dụng thống nhất. Sau đó tiến hành đào tạo kỹ năng làm việc, nội quy và ngoại ngữ để quá trình làm việc hiệu quả hơn. Cùng với đó, các KCN thường thu hút lượng lớn lao động từ khắp nơi đủ ngành nghề, lứa tuổi, do đó, quản lý nguồn nhân lực còn là biện pháp kiểm soát an ninh, trật tự xã hội tại khu vực đó.

Nếu có thể làm tốt được công tác này, KCN không chỉ giảm bớt rủi ro khi bất ổn xảy ra mà còn góp phần tăng năng suất lao động, kỷ luật làm việc cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp của KCN đối với các doanh nghiệp quốc tế. 

Không bây giờ thì bao giờ? 

Sau khi các ổ dịch liên tiếp xuất hiện tại các KCN, thiệt hại cho kinh tế, nguồn lực là quá rõ ràng. Hiện nay, các KCN thường cung cấp các dịch vụ như duy tu hạ tầng, xử lý nước thải, cung cấp điện nước, dịch vụ vệ sinh,...nhưng dịch vụ quản lý nguồn nhân lực vẫn bị bỏ ngỏ.

Tầm quan trọng của dịch vụ này đã được nhấn mạnh trong nhiều tiêu chuẩn, hướng dẫn quốc tế. Điển hình, theo Hướng dẫn Quốc tế về KCN của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, một trong những yếu tố quản lý của KCN chính là quản lý quan hệ lao động. Tài liệu này khẳng định đây là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của KCN vì ảnh hưởng đến quy mô, tinh thần và năng suất lao động của đội ngũ nhân lực.

Nhận định về vấn đề này, ông Ngô Văn Tấn - Phụ trách xin cấp phép đầu tư của dự án CCN Vĩnh Hòa tại xã Vĩnh Hòa huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa có suy nghĩ rằng: “Nếu chủ đầu tư hạ tầng có thể làm tốt phần dịch vụ về quản lý và cung cấp nguồn nhân lực cho các nhà máy trong KCN thì sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả, lợi nhuận. Ngoài ra, trong những trường hợp nguy hiểm như dịch bệnh, hệ thống quản lý cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho cơ quan chức năng, chủ doanh nghiệp và các công nhân trong quá trình ứng phó”. 

Chính vì vậy, nên chăng chủ đầu tư hạ tầng và các công ty quản lý và đào tạo nhân lực cùng liên kết để cung cấp dịch vụ đào tạo lao động, nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp của lực lượng lao động. Qua đó, còn có thể dự báo nguồn lực lao động của địa phương, xây dựng phương án sử dụng lao động, tổ chức đào tạo nghề, giúp nâng cao hiệu suất công việc, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn hơn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước hiệu quả hơn. Từ đó, lao động Việt Nam cũng có thể cạch tranh được với năng suất lao động của các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận nguồn lao động chất lượng cao. Giúp cho người lao động có thu nhập cao hơn, chủ đầu tư có thêm nguồn thu cũng như giảm khối lượng công việc cho cơ quan các cấp, đưa Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn hơn trong mắt doanh nghiệp quốc tế.

Vì sự lỏng lẻo trong quản lý, các KCN tại Việt Nam đã phải trả giá khá đắt trong những đợt dịch vừa qua, cùng với đó, đây cũng là thời điểm để các KCN Việt Nam chuyển mình, thay đổi tư duy để tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý.

Đào tạo công nhân cung ứng cho doanh nghiệp là nhu cầu cần thiết đối với các khu công nghiệp

Theo ông Đoàn Duy Hưng – Tổng giám đốc Cổng thông tin bất động sản công nghiệp Việt Nam (IIP VIETNAM), trên thị trường hiện nay rất ít chủ đầu tư hạ tầng KCN hỗ trợ các nhà máy trong KCN về việc cung cấp nhân lực. Trong điều kiện bình thường thì chưa có quá nhiều bất cập nhưng khi có các vấn đề về an ninh trật tự, công nhân đình công... thì phương thức này đã xảy ra nhiều bất cập.

Trong khi đó, với vai trò là chủ đầu tư hạ tầng KCN, chủ đầu tư nắm rõ địa bàn, có đủ thời gian và chi phí truyền thông, tuyển dụng, đào tạo nhân lực trên địa bàn và vùng phụ cận cũng như luân chuyển nhân lực giữa các nhà máy khi cần thiết. Khi đại dịch xảy ra, chủ đầu tư KCN có thể lập chốt khai báo, kiểm tra dịch bệnh, kiểm tra sức khỏe cho những người nghi nghiễm Covid. Chủ đầu tư hạ tầng KCN có thể là đại diện công đoàn, tháo gỡ những bất đồng giữa người chủ doanh nghiệp và người lao động.

Đặc biệt, chủ đầu tư hạ tầng KCN có thể cùng với các nhà máy xây dựng các khu nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị và các công trình thương mại dịch vụ, công trình văn hóa, thể thao cho người lao động và đảm bảo chống dịch trong KCN hoặc bên ngoài.

Nhờ các phương án quyết liệt chống dịch thời gian qua, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế. Chính vì vậy, đợt bùng phát dịch lần này tuy là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện hệ thống KCN bằng cách mỗi KCN, CCN thành lập một bộ phận quản lý đào tạo lao động nhằm mục đích cung ứng, quản lý lao động cho các doanh nghiệp đầu tư tại KCN, CCN đó.

Đây là điểm sáng mới để thu hút vốn FDI cho thế giới thấy chúng ta xứng đáng trở thành nơi chào đón những thương hiệu lớn trên thế giới.

Chat qua zalo