Quảng Nam: Bay lên cùng những “sếu đầu đàn”
Ngày:29/03/2021 04:39:00 CH
Từng là địa phương thuộc nhóm nghèo của cả nước, Quảng Nam đã bứt tốc phát triển vượt bậc. Điều gì tạo nên kỳ tích đó của Quảng Nam?
Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư lành mạnh là điểm cộng của chính quyền tỉnh Quảng Nam. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh (ngoài cùng bên phải) tìm hiểu các sản phẩm của doanh nghiệp
Hiện tượng của miền Trung
Nhận định về sự phát triển của Quảng Nam, TS. Trần Du Lịch chia sẻ: “Quảng Nam nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung. Một trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất cả nước đang được định hình, tiềm năng du lịch được khai thác tốt. Từ một địa phương phải nhận trợ cấp ngân sách, đến nay, Quảng Nam đã tự cân đối và có điều tiết ngân sách về Trung ương”.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Quảng Nam sau khi tách địa giới hành chính ra khỏi Đà Nẵng thì quả là kỳ tích. Nếu hơn chục năm trước, Quảng Nam vẫn là địa phương nghèo, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, hạ tầng kém phát triển…, thì nay, mọi lĩnh vực đã đổi thay tích cực. Một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ấn tượng đó của vùng đất xứ Quảng là địa phương đã thu hút được dòng vốn đầu tư lớn từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Trong Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2021 - 2022, tỉnh Quảng Nam tập trung kêu gọi các dự án trọng điểm mang tính đột phá, thu hút vào Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới, đổi mới sáng tạo… Đáng chú ý, tỉnh kêu gọi đầu tư 12 dự án trọng điểm như Trung tâm Công nghiệp hàng không sân bay Chu Lai, Dự án đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao, khu phi thuế quan gắn với sân bay Chu Lai…
Nhóm dự án động lực vùng Đông của tỉnh gồm nhóm dự án khu đô thị, du lịch Nam Hội An; nhóm dự án khí - năng lượng; dự án nông nghiệp công nghệ cao… Ngoài ra, Quảng Nam cũng kêu gọi đầu tư 82 dự án trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, 114 dự án về du lịch…
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thực hiện xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, thiết thực, hiệu quả ; tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kiên quyết từ chối thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu.
Lợi thế của Quảng Nam là nằm giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sở hữu hai di sản văn hóa thế giới và đường bờ biển dài và đẹp; là một trong số ít địa phương có quỹ đất lớn, đáp ứng các dự án đầu tư quy mô, vì vậy Quảng Nam được nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn để đầu tư.
Thống kê cho thấy, năm 1997, Quảng Nam chỉ có 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký gần 230 triệu USD, thì đến nay, tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực là 196 dự án, tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD; 230 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 68.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Khu kinh tế mở Chu Lai đã thu hút được 173 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 120.000 tỷ đồng, tương đương 5,54 tỷ USD. Tại Khu kinh tế mở Chu Lai nổi lên 3 lĩnh vực được xem là đứng đầu của cả nước là trung tâm công nghiệp ô tô, du lịch nghỉ dưởng và nông nghiệp công nghệ cao. 3 lĩnh vực này đã thu hút nhiều “sếu đầu đàn” như Thaco, VinaCapital, T&T, Vingroup... đến đầu tư, triển khai dự án. Trong đó, riêng Thaco đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để đưa Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp ô tô của cả nước.
Lĩnh vực du lịch có những dự án tỷ đô như Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; công nghiệp dệt may và hỗ trợ dệt may ở Khu công nghiệp Tam Thăng được ví là thánh địa của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Đầu tư vào Quảng Nam từ nhiều năm qua, ông Han Chul Joon, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho biết, Công ty đã xem xét rất nhiều vùng đất đầy tiềm năng khác, nhưng đã quyết định đầu tư vào Quảng Nam do địa phương này hội tụ đầy đủ các điều kiện, tiềm năng để phát triển nền công nghiệp vững mạnh, lâu dài. Panko còn có kế hoạch xây dựng khu phức hợp dịch vụ thương mại, giáo dục - đào tạo, thể thao, các dự án khác tại Quảng Nam…
Sự gia tăng đáng kể vốn đầu tư ngoài nhà nước đã kích hoạt sự phát triển nhanh chóng của Quảng Nam. Chỉ riêng Khu kinh tế mở Chu Lai đóng góp vào ngân sách tỉnh bình quân 65%/năm. TS. Trần Thị Thu Hương (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khẳng định, những dự án đầu tư đã giúp thay đổi diện mạo đô thị, cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân Quảng Nam. “Những dự án lớn tạo bàn đạp để đưa Quảng Nam sớm trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ của khu vực”, bà Hương khẳng định.
Phục vụ tối đa doanh nghiệp
Phân tích những số liệu tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào sự phát triển của Quảng Nam. Năm 2019, với GRDP ước đạt xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh có quy mô nền kinh tế khá trong cả nước.
Trong đó, kinh tế nhà nước đóng góp 17%, khu vực FDI chỉ đóng góp 4,5%, trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp đến xấp xỉ 60%. “Kinh tế ngoài nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Quảng Nam trong hàng chục năm qua và vai trò đó đang ngày càng có ý nghĩa quan trọng”, ông Đỗ Thiên Anh tuấn nhận định.
Với những đóng góp to lớn của doanh nghiệp đối với sự phát triển, dễ hiểu khi chính quyền tỉnh Quảng Nam nỗ lực kêu gọi đầu tư và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Tuyến đường ven biển Võ Chí Công đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng kết nối thông suốt từ Đà Nẵng đi sân bay Chu Lai và Quảng Ngãi, tạo nên trục xương sống cho phát triển của vùng Đông Quảng Nam.
Những tuyến đường khác như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua Quảng Nam), các tuyến đường ngang nối thông với Quốc lộ 1, mở tuyến hàng hải quốc tế từ cảng biển Chu Lai, nâng cấp sân bay Chu Lai... cũng đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo thuận lợi giao thương.
Không chỉ vậy, Quảng Nam lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nhờ sự năng động trong vận dụng cơ chế chính sách và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Điều này được chứng minh qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương, khi liên tiếp trong 5 năm (2015 - 2019), Quảng Nam luôn thuộc top 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng PCI cao nhất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho rằng, không dễ gì một địa phương đi lên từ gian khó như Quảng Nam lại lọt vào top những tỉnh, thành phố phát triển của khu vực miền Trung và là tỉnh khá của cả nước. Những thành quả đó có sự đóng góp rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Vì vậy, ông Lê Trí Thanh yêu cầu cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, để đến năm 2025, Quảng Nam nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có thứ hạng PCI cao nhất của cả nước; thành lập các tổ công tác giải quyết các vướng mắc trong triển khai đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
“Dư địa cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính còn rất lớn, nên từ người đứng đầu đến người thực thi công vụ, phải tự nhận mình đã làm được gì và chưa được gì, chủ động đề ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn trên tinh thần phục vụ tối đa cho doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững của Quảng Nam”, ông Thanh nhấn mạnh.
Kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Trong Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2021 - 2022, tỉnh Quảng Nam tập trung kêu gọi các dự án trọng điểm mang tính đột phá, thu hút vào Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới, đổi mới sáng tạo… Đáng chú ý, tỉnh kêu gọi đầu tư 12 dự án trọng điểm như Trung tâm Công nghiệp hàng không sân bay Chu Lai, Dự án đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao, khu phi thuế quan gắn với sân bay Chu Lai…
Nhóm dự án động lực vùng Đông của tỉnh gồm nhóm dự án khu đô thị, du lịch Nam Hội An; nhóm dự án khí - năng lượng; dự án nông nghiệp công nghệ cao… Ngoài ra, Quảng Nam cũng kêu gọi đầu tư 82 dự án trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, 114 dự án về du lịch…
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thực hiện xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, thiết thực, hiệu quả ; tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kiên quyết từ chối thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu.