Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển của phía Bắc

Tại phiên bế mạc Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, đại hội đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển của phía Bắc

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại

Theo đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV thống nhất mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2020 - 2025 là: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10% mỗi năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD. Trong cơ cấu kinh tế năm 2025, công nghiệp - xây dựng 49 - 50%; dịch vụ 46 - 47%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 3 - 5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 75%. 

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Về xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87,5%, trong đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 1%. 

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2023 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về môi trường, tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt 98%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt trên 99%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng...

Về xây dựng Đảng, phấn đấu tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 90%, trong đó 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 80%, trong đó 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Số lượng đảng viên mới được kết nạp hàng năm đạt từ 3 - 3,5% so với số lượng đảng viên đầu năm.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh xác định tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược. 

Một là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Hai là, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.

Ba là, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

Năm nhiệm vụ trọng tâm đã được Quảng Ninh đưa ra. Trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. 

Cụ thể, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. 

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh là khâu đột phá, cấp bách; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công trước mắt và chiến lược. 

Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.

Quảng Ninh cũng xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa.

Địa phương này sẽ phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. 

Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. 

Quảng Ninh cũng sẽ phát triển kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của tỉnh, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của Nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phát biểu bế mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhận định, những năm tới, Quảng Ninh có nhiều triển vọng và thời cơ phát triển, nhưng cũng còn không ít khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp và khó dự đoán, đòi hỏi tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Lãnh đạo Quảng Ninh quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của phía Bắc, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Chat qua zalo