Quảng Ninh tăng trưởng trên 8% trong đại dịch, bỉ quyết ở đâu ?

Nhờ quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời nỗ lực tháo gỡ khó khăn với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh vừa hạn chế được số ca nhiễm Covid-19 vừa đảm bảo tăng trưởng về kinh tế.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao đổi cùng cộng đồng doanh nghiệp

Công ty CTTV là một doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Foxconn hiện đang hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, CTTV phải đối mặt với nhiều thử thách để duy trì hoạt động và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam.

Tuy nhiên trong hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức, ông Jiang Zheng Tao, Phó giám đốc kinh doanh CTTV tiết lộ, công ty này sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm 2021.

Những nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp đã góp sức rất lớn vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể thực hiện những nỗ lực đó đòi hỏi sự vào cuộc rất quyết liệt và đồng bộ của chính quyền nhằm đảm bảo công tác chống dịch, ổn định sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ông Jiang Zheng Tao nhấn mạnh sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh để thúc đẩy phát triển sản xuất cũng như tạo điều kiện để công nhân lao động đơn vị thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19.

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và bảy tháng đầu năm 2021 đạt 8,02%.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đây là mức tăng trưởng rất có ý nghĩa trong điều kiện ngành than và ngành du lịch của tỉnh tăng trưởng âm do tác động của đại dịch Covid-19.

Bảy tháng đầu năm 2021, Quảng Ninh có 1.227 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 61,3% so với kế hoạch. Số vốn đăng ký 14,8 nghìn tỷ đồng, tăng 77% so cùng kỳ. 

867 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 22% so cùng kỳ; 241 doanh nghiệp giải thể, giảm 23% so cùng kỳ, 636 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 56% so cùng kỳ.

Tổng thu hút vốn ngoài ngân sách trên địa bàn bảy tháng đầu năm nay đạt hơn 282 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Quảng Ninh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký và tăng thêm hơn 24,9 nghìn tỷ đồng, tăng hai lần so với cùng kỳ; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 38 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 257,3 nghìn tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ninh đạt 1.864 triệu USD, tăng 11,6% cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.927 tỷ đồng, bằng 49% dự toán, bằng 74% cùng kỳ. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong sáu tháng đầu năm trên 13.855 tỷ đồng, đạt 95% so cùng kỳ năm ngoái.

Bí thư tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, tỉnh đã chủ động có các biện pháp mạnh ngay từ đầu năm để đồng hành, tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp, điển hình là Nghị quyết số 326/NQ-HĐND ngày 8/2/2021 của HĐND tỉnh về đảm bảo an sinh và ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Năm 2020, lần đầu tiên cả bốn chỉ số Par Index, PCI, SIPAS, PAPI của tỉnh dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó năm thứ tư liên tiếp đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu các tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và năm đầu tiên dẫn đầu toàn quốc về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

"Chỉ có giữ vững địa bàn an toàn và ổn định trong trạng thái bình thường mới, chúng ta mới thực hiện được thành công mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội - Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh"

Với những giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, Quảng Ninh là một trong số địa phương không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong nhiều ngày qua. 

Thực hiện phương châm chống dịch "3 trước, 4 tại chỗ", phòng dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở, Quảng Ninh vẫn giữ được địa bàn an toàn, đặc biệt tại các đô thị lớn, các trung tâm kinh tế.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp, doanh nhân đã chủ động có giải pháp để vượt qua khó khăn. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh như: áp dụng giờ làm linh hoạt; tổ chức cho cán bộ công nhân ở lại tại nhà máy để sản xuất đáp ứng thời hạn đơn hàng; chủ động cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế.

Khi dịch bệnh được kiểm soát ở Quảng Ninh, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh: đẩy mạnh thương mại điện tử,...

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã tích cực tham gia đóng góp vào công tác phòng chống dịch Covid-19, đến thời điểm hiện nay đã ủng hộ được hơn 167 tỷ đồng.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,7% cùng kỳ, là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, bù đắp một phần cho sự sụt giảm của ngành khai khoáng và ngành điện.

Khu vực dịch vụ, mặc dù chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, vẫn đóng góp một phần vào mục tiêu tăng trưởng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định.

Giữ địa bàn an toàn, ổn định để thực hiện thành công mục tiêu kinh tế - xã hội

 

Để tiếp tục đạt được mục tiêu kép, giữ vững địa bàn “an toàn - ổn định trong trạng thái bình thường mới, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh phù hợp với tình hình mới, với thực lực mới, tốc độ mới, không để bị động, bất ngờ trong mọi hoàn cảnh.

Địa phương này kiên trì thực hiện phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể chính, cùng chiến lược “5K + truyền thông + công nghệ + vaccine”.

Trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch tiêm chủng vaccine, coi vaccine là vũ khí chiến lược trong phòng chống dịch; triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng đảm bảo nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả và thuận tiện nhất có thể cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu là một trong những địa phương đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.

Mỗi địa phương, doanh nghiệp, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch và sản xuất kinh doanh, mỗi người dân, mỗi công nhân, mỗi lao động là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch và trong sản xuất, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Chỉ có giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới chúng ta mới thực hiện được thành công mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội”, ông Ký nói.

Tỉnh Quảng Ninh cũng xác định tập trung nguồn lực thực hiện ba khâu đột phá chiến lược về nhân lực, cơ sở hạ tầng và văn hoá. Tỉnh cũng quyết tâm tiếp tục xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, tăng niềm tin của dân và doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh.

Địa phương này sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp phòng chống dịch, vượt qua khó khăn, sẵn sàng phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có điều kiện, cơ hội. Đồng thời, các địa phương và ban ngành chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Chat qua zalo