Quảng Ninh tháo nút thắt về nhân lực chất lượng cao

Là một địa phương có đà tăng trưởng nhanh, hướng đến một nền dịch vụ, công nghiệp hiện đại, Quảng Ninh đang tìm lời giải phù hợp cho bài toán về nhân lực chất lượng cao.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Hạ Long.

“Chất” đã nâng nhưng chưa đủ về “lượng”

Vài năm gần đây, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã chi gần 22.000 tỷ đồng từ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, gấp đôi so với 5 năm trước. Nguồn lao động địa phương hiện có gần 800.000 người, tỷ lệ đã qua đào tạo khoảng 85%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước và đang chuyển dịch tích cực. Toàn tỉnh có 42 cơ sở đào tạo nghề, trung bình tuyển sinh 34.000-35.000 người/năm.

Ông Trần Trung Vỹ, Phó hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long cho biết, năm học vừa qua, thông qua các hội nghị kết nối doanh nghiệp do nhà trường tổ chức, nhiều sinh viên của trường đã được tuyển dụng làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh sau khi tốt nghiệp. Trường còn bắt tay với các tập đoàn lớn đang đầu tư tại địa phương như Vingroup, Sun Group, FLC để liên kết đào tạo và cam kết đầu ra cho sinh viên. Theo thống kê, 90% sinh viên của 2 khóa đào tạo đại học đầu tiên đều có việc làm ngay khi ra trường.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, mới chỉ có khoảng 16% trong tổng số nhân lực của tỉnh được đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp (bằng một nửa so với mục tiêu), còn lại là đào tạo ngắn hạn, dưới 3 tháng. Tỷ lệ này là chưa thể và chưa kịp đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp của tỉnh.

Tính riêng năm 2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 16.120 người, trong đó riêng các khu công nghiệp đã gần 10.000 người. “Nhu cầu tuyển dụng lao động trong giai đoạn tới của tỉnh là rất lớn. Đến năm 2025, con số này cần tăng thêm hơn 100.000, riêng các khu công nghiệp cần tuyển trên 54.000 lao động”, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết thêm.

Theo dự tính của chủ đầu tư Khu công nghiệp Amata Hạ Long, nếu được lấp đầy, nhu cầu sử dụng của khu công nghiệp này lên tới hơn 35.000 người. Công ty Foxconn Singapore Pte. Ltd và Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina trong Khu công nghiệp Đông Mai có nhu cầu tuyển dụng 1.560 người trong năm 2021. Tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, hầu hết các công ty đang cần tuyển hàng ngàn công nhân để mở rộng phân xưởng sản xuất.

Trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, theo Sở Du lịch Quảng Ninh, hơn 55.000 lao động đang mất việc. Điều đáng lo là nhiều người trong số này, sau một thời gian dài phải nghỉ vì Covid-19, đã không còn ở Quảng Ninh hoặc chuyển đổi công việc khác. Do vậy, nguy cơ thiếu hụt lao động khi ngành này hồi phục, hoạt động trở lại là rất cao.

“Chúng tôi có 15 tàu du lịch ngủ đêm trên vịnh, với 500 nhân viên. Sau hơn một năm tạm ngừng hoạt động, nhân viên phải nghỉ việc gần hết. Thiệt hại về tài chính là thấy rõ, nhưng việc mất đi lực lượng lao động đã được đào tạo trong gần 20 năm hoạt động mới là thiệt hại lớn nhất”, ông Đoàn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Du thuyền Đông Dương cho biết.

Tháo nút thắt nguồn nhân lực

Với định hướng chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Quảng Ninh đều đang “khát nhân lực” trình độ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dịch vụ, du lịch cũng đòi hỏi lượng lớn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, đây chính là thách thức trực tiếp đối với tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc của Công ty TNHH Đô thị Amata Hạ Long, bài toán khó đối với cả nhà đầu tư và tỉnh Quảng Ninh hiện nay không phải là hạ tầng, là cơ chế chính sách như trước, mà là vấn đề nguồn nhân lực. “Ở phía Bắc, tỉnh nào cũng có nhu cầu cao về nhân lực. Điều này cho thấy, nhu cầu với nguồn lao động chất lượng cao không chỉ là việc ‘khát’, mà còn đòi hỏi chính sách ‘giữ chân’ lao động nữa”, ông Nhân nói.

Để tháo gỡ nút thắt về nhân lực, Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng đề án cụ thể, có cơ chế chính sách quan tâm đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề. Trường Đại học Hạ Long sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, chú trọng tới các tập đoàn, các doanh nghiệp có thương hiệu đã thành công ở Quảng Ninh.

Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh sẽ có cơ chế thu hút, giữ “chân” người tài ngoại tỉnh ở lại lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh. Địa phương này đang rà soát quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội, tạo quỹ đất phát triển các quỹ nhà ở với giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh để thu hút nguồn lao động đã qua đào tạo từ ngoại tỉnh về Quảng Ninh.

Chat qua zalo