Samsung muốn mua điện không qua EVN
Ngày:07/05/2021 12:26:50 SA
Samsung Việt Nam đề xuất được tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ các dự án năng lượng tái tạo trên thị trường điện giao ngay.
Tại buổi gặp với Bộ Công thương mới đây, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã đề xuất Bộ Công thương hướng dẫn, hỗ trợ được thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp).
Được biết, cơ chế này đang trong giai đoạn được Bộ Công thương lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn để thí điểm.
Ngoài Samsung, một số tập đoàn lớn khác cũng muốn tham gia thí điểm cơ chế DPPA như Tập đoàn Apple (Hoa Kỳ) cho các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp này tại Việt Nam…
“DPPA sẽ cho phép Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo thông qua thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định tại một hội thảo do Bộ Công thương tổ chức.
Cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp là một cơ hội lớn đối với các nhà phát triển năng lượng gió và mặt trời trong việc huy động nguồn vốn tư nhân để xây dựng các nhà máy điện gió, mặt trời mới và quy mô.
Hơn 30 doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế thuộc Liên minh Mua Năng lượng Tái tạo Việt Nam (REBA) đã thể hiện sự ủng hộ đối với nỗ lực này, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về dữ liệu chính xác từ thị trường năng lượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch rủi ro thấp và thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch tại Việt Nam.
Theo dự thảo cơ chế DPPA đang được Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, quy mô thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp khoảng 1.000 MW.
Điều kiện tham gia thí điểm, bên mua - các tổ chức, cá nhân mua điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên) cam kết sử dụng năng lượng tái tạo; tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng mua trong 3 năm đầu tham gia thí điểm từ 80% trở lên.
Bên bán - đơn vị phát điện phải có dự án điện gió, mặt trời phải có trong quy hoạch, công suất lắp đặt trên 30 MW. Các dự án này cũng phải cam kết mốc thời gian vận hành thương mại, tham gia thị trường điện trong vòng 9 tháng từ khi được công bố lựa chọn tham gia của cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, hồ sơ tham gia thí điểm của bên bán phải có kèm văn bản của các tổ chức tài chính, tín dụng về việc hỗ trợ tài chính cho dự án nhà máy điện.
Bên mua và bán đàm phán, thoả thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn có giá. Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công thương.
Sau khi thí điểm một năm, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) sẽ đánh giá các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý… để hoàn thiện nội dung, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng rộng rãi cơ chế này.
Theo Bộ Công thương, cơ chế DPPA sẽ giúp doanh nghiệp có thể nâng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động kinh doanh, sản xuất lên 100% (tỉ lệ này hầu như không thể đạt được nếu chỉ đầu tư điện mặt trời áp mái). Điều này rất phù hợp với các công ty, tập đoàn tham gia mạng lưới cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.
Theo TheLeader