Seeking Alpha: 5 lý do Việt Nam có tiềm năng trở thành công xưởng sản xuất của thế giới

Theo Seeking Alpha (Hoa Kỳ), Việt Nam đang dần có nhiều cơ hội để thay thế công xưởng của thế giới - Trung Quốc. Xu hướng này đã bắt đầu từ vài năm trước, song Covid-19 đã thúc đẩy nhanh đáng kể quá trình chuyển đổi này.

Việt Nam có một số lợi thế ở tầm vĩ mô để tận dụng cơ hội từ làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất, đón nhiều doanh nghiệp đầu tư cũng như trở thành công xưởng của thế giới bởi 05 lý do chính sau:

1. Quy mô của nền kinh tế.

Quy mô GDP Việt Nam là 350 tỷ USD. Mặc dù đây không phải là con số quá lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức khoảng 6 - 7% trong nhiều năm qua. Một số quốc gia đối thủ trong khu vực Đông Nam Á có quy mô kinh tế như sau:

- Indonesia: 1,1 nghìn tỷ USD

- Thái Lan: 500 tỷ USD

- Philippines, Malaysia, Singapore: 350 tỷ USD

Việt Nam, với quy mô kinh tế khoảng 350 tỷ US đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực và đang phát triển nhanh hơn nhiều so với các khu vực khác.

2. Nền kinh tế vĩ mô ổn định.

Khi so với các quốc gia láng riềng, rủi ro của mỗi quốc gia như sau:

Malaysia: Quá phụ thuộc vào dầu khí (gần 16% kim ngạch xuất khẩu)

Brunei: Gần 90% kim ngạch xuất khẩu liên quan đến dầu mỏ

Indonesia: Hơn 25% xuất khẩu liên quan đến dầu và than

Campuchia: Nền kinh tế quá nhỏ và chỉ tập trung vào sản xuất dệt may.

Trong khi đó, Việt Nam có nền kinh tế rất đa dạng, bao gồm sản xuất hàng dệt may, giày dép (Nike, Adidas), một số linh kiện điện tử (Lenovo) và sản xuất ô tô (Ford Motor, VinFast...).

3. Tốc độ tăng trưởng hiện tại và năm tới.

 

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng hoạt động kinh tế trong năm 2020 đã giảm sút đáng kể và sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Theo đó, báo cáo chỉ ra sự ổn định vĩ mô mà Việt Nam đang có về tăng trưởng, thâm hụt tài khoản vãng lai hay số lượng việc làm. Nền kinh tế đủ đa dạng để chống đỡ sự suy giảm kinh tế do Covid-19 gây ra và vẫn tăng trưởng tích cực như trong dự báo của IMF.

Ngân hàng Thế giới (WB) sau đó cũng công bố báo cáo tương tự. Nề kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP ước tính là 1,8% trong nửa đầu năm 2020, dự kiến đạt 2,8% cho cả năm. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không suy thoái, mặc dù tốc độ tăng trưởng trong năm nay thấp hơn nhiều so với dự báo trước khủng hoảng 6-7%.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam mới chỉ phát triển và các nhà sản xuất ô tô trong nước hiện đang bắt đầu trở thành những "người chơi" lớn hơn (ví dụ như ô tô VinFast). Đây là bước phát triển rất lớn, bởi ngành công nghiệp ô tô nói chung tạo ra rất nhiều việc làm và tăng trưởng cho một quốc gia.

Lợi thế của ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ là sự ra đời của nhiều nhà cung ứng nhỏ, điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế/công việc liên quan. Mặc dù lĩnh vực này có nền tảng nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng đạt hơn 100% và nhu cầu rất lớn. Điển hình như Thái Lan là quốc gia có ngành công nghiệp ô tô rất phát triển, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của quốc gia trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích tăng trưởng bằng cách giảm thuế cho các công ty sản xuất ô tô và linh kiện ở Việt Nam thay vì nhập khẩu linh kiện.

4. Lợi thế về chi phí nhân công

 

Một lợi thế khác của Việt Nam là mức lương trung bình vẫn thấp hơn hầu hết các nước lân cận, dao động ở mức 5,5 USD/giờ. Trước đó, một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế đó là nhờ tận dụng quy trình sản xuất và nhân công chi phí thấp.

5. Động lực tăng trưởng sau 2021

Chính phủ Việt Nam hiện đang tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và có kế hoạch tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng hơn nữa. Việt Nam đang chi 5,7% GDP để cải thiện hạ tầng. Đây là mức chi cao nhất trong khu vực.

Số tiền này đang được đầu tư vào việc mở đường bộ, hạ tầng đường sắt gồm các tuyến đường sắt Bắc - Nam nối hai đầu đất nước. Việt Nam cũng có kế hoạch xây dựng 39 cảng trong kế hoạch mở rộng cảng biển. Ước tính tổng mức chi sẽ khoảng 80 - 100 tỷ USD trong 10 năm tới hoặc có thể lâu hơn.

Đáng chú ý, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên "vàng" về nhân khẩu học, khi hơn 70% dân số dưới 35 tuổi. Với dân số khoảng 100 triệu người tính đến năm 2019, chỉ khoảng 13% số dân thuộc tầng lớp trung lưu. Dự kiến đến năm 2025-2026, con số này sẽ tăng lên gấp đôi, khoảng 26%. Đây sẽ là động lực lớn cho thị trường tiêu dùng cũng như thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao hơn trung bình 6% như hiện nay.

Nhiều công ty sẽ muốn tận dụng sự bùng nổ tiêu dùng này để đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Thêm vào đó, trong 10 năm qua, chỉ số thuận lợi kinh doanh đã cải thiện đáng kể, từ mức 98 trong năm 2011 lên mức 70 trong năm 2020. Với việc Chính phủ chú trọng đầu tư hơn vào hạ tầng, Việt Nam có 99% số làng có điện sáng, cộng với chỉ số vốn con người (HCI) cao.

Trên thực tế, Việt Nam có thể cải thiện chỉ số này hơn nữa và vươn lên lọt top 50 trong vài năm tới. Seeking Alpha kết luận với tất cả những kết quả tích cực trên, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới.

Chat qua zalo