SO SÁNH MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CỦA CÁC TỈNH THÀNH TRÊN TOÀN QUỐC THÔNG QUA CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI)

Ngày 5/5/2020, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 được công bố trực tuyến. Quảng Ninh lần thứ 3 liên tiếp giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI.

Báo cáo PCI 2019 là gì?

Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Chỉ số PCI là gì?

Với quy mô điều tra toàn diện, Chỉ số PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. PCI đã trao quyền cho các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, tạo ra được một kênh để chuyển tải đầy đủ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp lên các cấp có thẩm quyền liên quan và chủ động thúc đẩy thay đổi. Các chính quyền địa phương giờ đã có đầy đủ thông tin, bằng chứng định lượng để nhận diện, hướng các chương trình cải cách của mình đúng trọng tâm, sát yêu cầu của thực tế. Xây dựng, hoạch định chính sách, thực hiện các chương trình cải cách dựa trên bằng chứng, thông tin định lượng đang dần trở thành một thói quen của nhiều cơ quan nhà nước địa phương tại Việt Nam.

Qua 15 năm xây dựng và phát triển, Chỉ số PCI ngày càng hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều công cụ đo lường và đánh giá chính xác hơn. Các phân tích trong báo cáo dựa trên 7 bộ dữ liệu PCI được thu thập và bổ sung hàng năm: Điều tra thường niên trên 8.500 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; Điều tra thường niên trên 2.000 doanh nghiệp mới thành lập; Điều tra thường niên trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) từ 21 tỉnh, thành phố là các địa phương có số doanh nghiệp FDI nhiều nhất tại Việt Nam; Dữ liệu điều tra doanh nghiệp theo thời gian tại 63 tỉnh, thành phố trong suốt giai đoạn từ 2006-2019; Bộ dữ liệu PCI gốc là dữ liệu điều tra doanh nghiệp dân doanh về các lĩnh vực được duy trì xuyên suốt trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2019; Bộ dữ liệu PCI-FDI gốc là dữ liệu điều tra PCI-FDI về các lĩnh vực được duy trì xuyên suốt giai đoạn từ 2010-2019; Dữ liệu phản hồi điều tra PCI của các doanh nghiệp dân doanh theo thời gian.

Chỉ số PCI đo lường gì?

Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có:

(1) Chi phí gia nhập thị trường thấp;

(2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;

(3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;

(4) Chi phí không chính thức thấp;

(5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;

(6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng;

(7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo, trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;

(8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng;

(9) Chính sách đào tạo lao động tốt;

(10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

Chi tiết bảng xếp hạng PCI năm 2019 của các tỉnh

Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng lên nhận cúp quán quân PCI 2019

Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng lên nhận cúp quán quân PCI 2019

Năm 2019, Quảng Ninh duy trì vị trí dẫn đầu với 73,40 điểm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh này giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2019 là Đồng Tháp với 72,10 điểm, năm nay tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình, năm thứ 12 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2019 bao gồm Đà Nẵng (70,15 điểm), Quảng Nam (69,42 điểm), Bến Tre (69,34 điểm), Long An (68,82 điểm), Hà Nội (68,80 điểm) và Hải Phòng (68,73 điểm).

Khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối của điểm số PCI hay điểm số PCI gốc ngày càng thu hẹp, xu hướng cải thiện tích cực được duy trì. Trong số những cải thiện của nhóm tỉnh đứng cuối là tín hiệu đáng mừng thì dường như thành tích cải cách của nhóm tỉnh đứng đầu PCI mới dừng lại ở các lĩnh vực dễ cải cách. Các tỉnh đứng đầu cần tiếp tục phát huy sáng kiến cải cách các lĩnh vực điều hành nhiều thách thức hơn.

Bảng xếp hạng PCI 2019 (Nguồn: Internet)

Báo cáo PCI 2019 đã nêu ra 7 xu hướng chính, nổi bật của môi trường kinh doanh của Việt Nam, trong đó phản ánh những thay đổi chính sách ghi nhận từ điều tra bắt đầu từ năm 2016, năm bắt đầu nhiệm kỳ mới của Chính phủ, bao gồm:

Một là, mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng: năm 2019 có 54,1% doanh nghiệp cho biết thái độ của chính quyền địa phương đối với các khu vực kinh tế tư nhân là tích cực, mức cao nhất từ năm 2006 (48,3%), sau mức đáy 35,1% của năm 2015.

 Hai là, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn: nhìn chung các doanh nghiệp dân doanh đã có những đánh giá tích cực hơn về mức độ bình đẳng của môi trường kinh doanh so với những năm trước.

Ba là, minh bạch có dấu hiệu được cải thiện: PCI 2019 ghi nhận các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin so với năm trước, song vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện một số chỉ tiêu tiếp cận thông tin quan trọng.

Bốn là, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố: chất lượng giải quyết tranh chấp của tòa án theo đánh giá của doanh nghiệp có sự cải thiện trong năm 2019 so với trước đây; tương tự, tình hình an ninh trật tự tại các địa phương cũng có cải thiện.

Năm là, chi phí không chính thức tiếp tục giảm: điều tra PCI 2019 tiếp tục thu nhận những phản ánh tích cực của cộng đồng doanh nghiệp về nỗ lực của chính quyền trong phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức tại địa phương.

Sáu là, cải cách hành chính có kết quả tích cực và cần đẩy mạnh hơn ở một số lĩnh vực: điều tra PCI 2019 cho thấy những chuyển biến tích cực của công tác cải cách hành chính, qua cảm nhận của các doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các tỉnh, thành phố.

Bảy là, khó khăn trong triển khai dự án có công trình xây dựng: những phản ánh của các doanh nghiệp qua các cuộc điều tra, khảo sát và hội nghị do VCCI tiến hành, cũng như qua nhiều kênh khác nhau cho thấy hiện nay các vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính là rất lớn.

Bên cạnh đó, Báo cáo PCI 2019 đã nêu ra 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong Điều tra PCI 2019 bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Dù đã có những cải thiện nhất định, nhưng vẫn có 18% doanh nghiệp lo ngại trước vấn đề biến động của chính sách, pháp luật.

Tuy nhiên, kết quả PCI 2019 cho thấy 51% doanh nghiệp dân doanh tham gia điều tra cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng theo quy mô doanh nghiệp. Cùng với đó, khối doanh nghiệp FDI cũng khá lạc quan, với 53% doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô kinh doanh.

Đặc biệt, năm 2019, lần đầu tiên Báo cáo PCI phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa (gọi chung là tự động hóa) trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam. Tự động hóa đang trở nên phổ biến trong cả khối doanh nghiệp dân doanh trong cả nước và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, và xu hướng rõ ràng là cả hai nhóm doanh nghiệp đều dự định tiếp tục đầu tư các công nghệ giúp cắt giảm chi phí. Khoảng 67% doanh nghiệp (tính gộp) đã thực hiện tự động hóa một phần công việc trong ba năm qua, trong khi 75% doanh nghiệp có dự định sẽ tự động hóa các công việc mới trong ba năm tới.

Qua các phân tích, Báo cáo PCI chỉ ra 3 yếu tố thúc đẩy nỗ lực tự động hóa của doanh nghiệp:

(i) Cơ hội hội nhập toàn cầu thông qua các chuỗi cung ứng;

(ii) Chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động có tay nghề phù hợp và

(iii) Nguy cơ công nhân đình công gây gián đoạn hoạt động sản xuất, đặc biệt ở khối doanh nghiệp FDI.

Tác động của tự động hóa có hai mặt: một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tăng tuyển dụng lao động, đặc biệt là các lao động có tay nghề cao hơn; mặt khác, giảm cơ hội việc làm của các lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp. Trong một số trường hợp, tự động hóa sẽ dẫn đến dư thừa lao động và cắt giảm quy mô lao động. Trong một số trường hợp khác, tự động hóa sẽ dẫn đến nâng cao chất lượng đào tạo lao động, gia tăng cơ hội cho người lao động thế hệ tiếp theo.

Nhóm nghiên cứu PCI đưa ra một khuyến nghị đơn giản cho Chính phủ Việt Nam là cần tăng cường các nỗ lực phát huy các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục và quan hệ lao động. Việc thực hiện các luật, quy định trong các lĩnh vực này nhanh và quyết liệt là rất quan trọng để đảm bảo luật được thực thi đúng với tinh thần nguyên bản. Bằng cách nâng cao kỹ năng làm việc của người lao động Việt Nam và tăng cường sự hiểu biết giữa người lao động và người sử dụng lao động, việc thực hiện thành công hai luật này sẽ là một bước tiến dài hướng đến giảm nhẹ tác động tiêu cực của tiến trình tự động hóa tại các doanh nghiệp.

Chat qua zalo