Sóc Trăng kỳ vọng đột phá bằng dự án cảng nước sâu và năng lượng sạch

Tại cuộc họp: Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tham mưu Thủ tướng ban hành cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho địa phương trên nhiều lĩnh vực, đáng chú ý là việc quy hoạch cảng biển nước sâu Trần Đề và chính sách phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 1432/TTg-CN ngày 28/10/2019 về việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT trong tháng 5/2020 phải hoàn thiện nội dung điều chỉnh để tổ chức thẩm định cùng với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng giao tại quyết định số 995 năm 2018.

Cửa biển Trần Đề được xem là vị trí thích hợp phát triển cảng biển nước sâu.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trần Văn Chuyện cho biết: theo đơn vị lập dự án ban đầu- Công ty CP tư vấn xây dựng công trình Hàng hải- Bộ GTVT: cảng biển Sóc Trăng sẽ đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế với bến cảng chính được đề xuất hình thành tại một trong 2 vị trí: tại cửa Trần Đề hoặc tại cửa Mỹ Thanh. Mục tiêu khi đi vào hoạt động là đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000 - 100.000 DWT và trên 100.000 DWT.

Khu vực nghiên cứu bến cảng Trần Đề có diện tích dự kiến rộng khoảng 30.000ha từ cửa Trần Đề đến cửa Mỹ Thanh. Trong đó, đường bờ dài 20km, bến cảng Trần Đề được xây dựng nằm ngoài khơi cách bờ khoảng 15-20km tùy vị trí. Độ sâu khoảng từ -10m đến -12m.Tổng vốn đầu tư sơ bộ cho tất cả các hạng mục khoảng hơn 4,1 tỷ USD được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn. Kinh phí này được Bộ GTVT chủ trương kêu gọi nguồn vốn đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.

Mặc dầu dự án mới ở giai đoạn đề xuất nhưng địa phương đã nhận được thư quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực; dự án này không những là niềm kỳ vọng của tỉnh Sóc Trăng mà còn là niềm mong mỗi của nhiều tỉnh, thành vùng Tây nam Bộ”, ông Chuyện nói.

Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam: Nếu được đầu tư đúng tầm thì cảng biển Sóc Trăng gồm các bến cảng trong sông Trần Đề, sông Hậu và bến cảng ngoài khơi, có thể đáp ứng lượng hàng thông qua năm 2025 đạt 12,9 - 14,7 triệu tấn/năm, trước khi có bước nhảy vọt lên 82,9 - 94,7 triệu tấn/năm vào năm 2030, trở thành cảng đầu mối lớn nhất cho 8/13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL- vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất nước và là cảng tiếp nhận hàng than trung chuyển đến các trung tâm điện lực trong vùng.

Sóc Trăng đang nỗ lực trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Lĩnh vực quan trọng thứ hai góp phần tạo bước đột phá cho tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn mới là năng lượng sạch.

Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: tổng công suất điện gió và điện mặt trời trên 3.000MW, trong đó, có 22 vị trí có thể phát triển điện gió với quy mô công suất tiềm năng 1.470MW. Theo lãnh đạo tỉnh, từ đầu năm đến nay Sóc Trăng đã chấp nhận chủ trương đầu tư cho 4 dự án, khởi công xây dựng 1 dự án điện gió.

Nhằm để tạo cơ chế hấp dẫn thu hút nhà đầu tư, lãnh đạo địa phương cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian hưởng ưu đãi giá điện đối với các dự án điện gió khu vực bãi bồi ven biển đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021; bổ sung quy hoạch đối với dự án điện gió trên địa bàn; Đấu nối điện gió ngoài khơi vào đường dây 500kV Long Phú-Ô Môn; Điều chỉnh dự án nông nghiệp công nghệ cao thành dự án “Điện mặt trời kết hợp nông nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư Trung tâm điện lực Long Phú....

 Tại cuộc họp, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan ghi nhận đầy đủ kiến nghịc của địa phương để tham mưu đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định. Riêng về mức giá ưu đãi đối với dự án điện gió, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương tổng hợp báo cáo kêt quả thực hiên Quyết định số 39/2018/QÐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp chung kiến nghị của các địa phương, trong đó có tỉnh Sóc Trăng; trên cơ sở đó đề xuất cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5, năm nay.

Theo ông Chuyện: Sóc Trăng không chỉ có thế mạnh lúa đặc sản, đặc biệt có gạo ngon nhất thế giới-ST 25 mà diện tích vườn cây ăn trái đặc sản, nuôi tôm, công nghiệp chế biến tại địa phương cũng rất phát triển. Thời gian qua địa phương đã thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong giai đoạn tới, nếu Sóc Trăng được Chính phủ quan tâm đầu tư cảng nước sâu, ban hành cơ chế thu hút phát triển mạnh năng lượng thì mục tiêu đến năm 2025 Sóc Trăng vươn lên là tỉnh khá trong khu vực là trong tầm tay.

Nguồn: enternews.vn

Chat qua zalo