Sức hút của Việt Nam đối với các nhà sản xuất chip bán dẫn của nước Mỹ

Tuyên bố được đưa ra khi Việt Nam đang trở thành một cơ sở sản xuất bán dẫn quan trọng, thu hút cam kết từ các công ty hàng đầu.

Chia sẻ bởi ông Daryl Wan - Giám đốc Kinh doanh vùng, Nam Thái Bình Dương, Analog Devices (ADI) - thị trường bán dẫn Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng từ 27,64 tỷ USD vào năm 2021 lên 41,88 tỷ USD vào năm 2028 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,1% trong giai đoạn dự báo.

Ông Daryl Wan cũng đánh giá Việt Nam đang trở thành một cơ sở sản xuất bán dẫn quan trọng, thu hút cam kết từ các công ty hàng đầu. Theo dữ liệu từ Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC), doanh số ngành bán dẫn Việt Nam tăng trưởng ổn định song có sự chững lại trong năm 2019.

Tuy nhiên, sau đó mức tăng trưởng đã đạt mức 5,4% vào năm 2020, do tăng nhu cầu cho các thiết bị điện tử trong gia đình trong giai đoạn cách ly tại nhà. Đến nay, những đột phá về công nghệ mới như xe điện (EV), mạng 5G và sự gia tăng của phương tiện tự lái, đang tạo nên những cơ hội mới cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Ví dụ, Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) dự đoán tỷ lệ sở hữu xe điện sẽ đạt 1 triệu xe vào năm 2028 và 3,5 triệu xe vào năm 2040. Trong đó, VinFast đóng góp vào sự tăng trưởng với sản lượng tăng trong suốt năm 2023, cùng với các mẫu xe điện có giá phải chăng sản xuất tại Trung Quốc. Đây chính là cơ hội tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn khi nhu cầu về bán dẫn tăng.

Mặt khác, bán dẫn còn là nền móng của công nghệ hiện đại, thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực như xe điện (EVs), mạng 5G và các phương tiện tự lái. Nhìn chung, Việt Nam được đánh giá đang có tiềm năng lớn để dẫn đầu ngành bán dẫn toàn cầu.

Có 5 yếu tố cho quan điểm này:

Thứ nhất, Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, gần các trung tâm công nghệ lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc giúp tiếp cận thuận tiện các chuỗi cung ứng đã có sẵn. Điều này thuận lợi hơn so với Đài Loan, một nhà sản xuất chip lớn nhưng có vị trí địa lý cô lập.

Thứ hai, Việt Nam đã có nền tảng sản xuất vững mạnh và môi trường kinh doanh thân thiện, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam trên bản đồ thế giới là một trung tâm sản xuất điện tử lớn, sản xuất linh kiện cho điện thoại thông minh và máy tính.

Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy mở rộng ngành sản xuất chip, thu hút các công ty nước ngoài trong cả ba công đoạn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói.

Thứ ba, có sẵn nguồn tài nguyên như khoáng sản và quặng nhôm (bô xít) là nguyên liệu quan trọng cho công nghệ chip, giúp cho Việt Nam có thể tự cung ứng và ít phụ thuộc hơn vào việc nhập khẩu các nguyên liệu chính này so với các nước láng giềng.

Ưu điểm này có thể giúp tiết kiệm chi phí và kiểm soát chuỗi cung ứng tốt hơn, nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo so với các nước láng giềng.

Thứ tư, Chính phủ Việt Nam cũng đã cung cấp các ưu đãi tài chính để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Chính phủ Việt Nam đang đưa ra các biện pháp kích thích như giảm thuế và chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.

Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược Phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.

Ngoài ra, trong mảng thiết kế chip, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và hợp tác với hai trong số các tập đoàn thiết kế chip lớn nhất tại Hoa Kỳ là Synopsys và Caden, để thành lập một trung tâm nghiên cứu và thiết kế chip tại cơ sở của NIC.

Cuối cùng, Việt Nam được biết đến là nơi có lực lượng lao động lớn và có kỹ năng, với một tỷ lệ đáng thuộc nhóm ngành khoa học và kỹ thuật. Nguồn tài năng này, kết hợp với chi phí sinh sinh hoạt thấp hơn so với các quốc gia như Đài Loan, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty bán dẫn đang tìm cách tối ưu hóa chi phí vận hành mà không ảnh hưởng đến chuyên môn. Hơn 40% sinh viên đại học và cao đẳng của Việt Nam thuộc chuyên ngành khoa học và kỹ thuật, chiếm một tỷ lệ đáng kể của lực lượng lao động.

"Nhìn chung, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang trên hành trình trở thành nhân tố chủ chốt trong chuối cung ứng bán dẫn toàn cầu và chúng tôi tin điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển trong nhiều lĩnh vực khác tại đây, bao gồm phát triển nhân sự, tăng trưởng kinh tế và sáng tạo bền vững", ông nói.

Do đó, Việt Nam được xác định một thị trường quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của ADI và Công ty không giấu tham vọng tăng cường sự kiện diện của mình với một khoản đầu tư đáng kể.

ADI là công ty bán dẫn đa quốc gia của Hoa Kỳ chuyên về kĩ thuật chuyển đổi dữ liệu và xử lý tín hiệu có trụ sở ở Norwood, Massachusetts. ADI là 1 trong 10 công ty lớn nhất Hoa Kỳ về sản xuất và cung cấp các chip bán dẫn. Với khoảng 26.000 nhân viên và 125.000 khách hàng trên toàn cầu, doanh thu năm tài chính 2023 của ADI đạt hơn 12 tỷ USD.

Trong 8 năm qua, ADI được biết đã dành 46 tỷ USD cho các hoạt động mua lại và 1,5 tỷ USD để tăng gấp đôi sản lượng sản xuất nội bộ. Những khoản đầu tư này được thiết kế để nâng cao tính linh hoạt của mạng lưới sản xuất kết hợp của ADI, tăng khả năng sản xuất và vận hành.

ADI đã xây dựng mạng lưới sản xuất kết hợp bao gồm 10 nhà máy nội bộ, khoảng 15.000 nhân viên trong lĩnh vực sản xuất, thử nghiệm và lắp ráp. Ngoài ra, ADI đã thiết lập mạng lưới 50 nhà máy chuỗi cung ứng phân bổ trên 15 quốc gia, bao gồm Philippines, Thái Lan và Malaysia. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng và giải quyết các thách thức kỹ thuật phức tạp, ADI cam kết sử dụng nguồn lực đáng kể, đầu tư 1,6 tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển.

 

Chat qua zalo