Tại sao các Tập đoàn lớn Sam Sung, Foxconn đầu tư tại Việt Nam

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước, các “ông lớn” trong ngành sản xuất chip bán dẫn như Intel, Samsung hay Foxconn đầu tư vào Việt Nam vì môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và Việt Nam có trữ lượng đất hiếm rất lớn, đây là các “chìa khóa vàng” trong việc thu hút đầu tư của Việt Nam.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Tập đoàn Intel của Mỹ đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam

Hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng Tập đoàn Intel của Mỹ tạm thời không đầu tư thêm 1 tỷ USD để mở rộng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam là do thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà thì GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng ý kiến đánh giá như trên là không có căn cứ.

“Việc Việt Nam thiếu điện vào mùa hè năm nay là đúng nhưng đó không phải là lý do khiến Intel rút dự án này”, GS Mại nói.

Giải thích cho luận điểm này, ông Mại nhấn mạnh hạ tầng các khu công nghiệp Việt Nam hiện nay rất tốt, đặc biệt là các khu công nghiệp công nghệ cao như khu công nghiệp công nghệ cao TP. HCM, nơi Intel đặt nhà máy lại càng tốt hơn.

Theo đó, các khu công nghiệp, khu công nghiệp cao hiện nay có hạ tầng điện, truyền tải điện rất tốt. Ngay cả chính sách của Việt Nam cũng ưu tiên điện cho các doanh nghiệp lớn an tâm sản xuất. Có thể, việc thiếu điện sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, các một số ngành nghề dịch vụ. Còn những nhà máy, sản xuất nằm ở khu công nghiệp không bao giờ thiếu điện. Vì vậy, nhận định này không đúng.

Về vấn đề thủ tục hành chính rườm rà, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, đúng là vẫn có một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi chính sách sách nhiễu, tạm gọi là “tham nhũng vặt”, nhưng không phải là tất cả.

Trên thực tế, từ khi Intel bắt đầu kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam vào năm 2006 đã nhận được một số “đặc quyền” chính sách chưa từng có. Chính vì vậy, bản thân Intel và nhiều doanh nghiệp FDI lớn khác đánh giá rất cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây, Việt Nam đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy nhà nước,...

“Việt Nam đang rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Những cải cách này được nhiều Tập đoàn lớn và ngay cả Intel cũng đánh giá rất cao. Như vậy, luận điểm thủ tục hành chính rườm rà cũng không đúng”, ông Mại khẳng định.

Theo nhận định của GS.TSKH Nguyễn Mại, lý do khiến Intel rút dự án mở rộng nhà máy 1 tỷ USD không phải xuất phát từ Việt Nam, mà xuất phát từ khó khăn của chính doanh nghiệp này, khi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như AMD hay Nvidia.

“CEO của Intel đang tham gia vào một ván cược đánh đổi bằng cả sự nghiệp. Ông ta hiểu rất rõ phải có những hành động thật nhanh để Intel không trở thành đại gia công nghệ tiếp theo của Mỹ bị các đối thủ bỏ lại phía sau”, GS.TSKH nguyễn Mại nói.

Chìa khoá vàng trữ lượng đất hiếm lớn

GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, những “ông lớn” trong ngành sản xuất chip bán dẫn như Intel, Samsung hay Foxconn không dại gì mà không đầu tư tại Việt Nam. Bởi, Việt Nam đang nắm trong tay chiếc “chìa khóa vàng” của ngành này, đó chính là đất hiếm.

“Việt Nam có trữ lượng đất hiếm rất lớn, đây là một nguyên liệu bắt buộc trong ngành sản xuất chip bán dẫn. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến các ông lớn trong ngành này tìm tới Việt Nam để đầu tư”, ông Mại chia sẻ.

Trung tâm của Hiệp định Thương mại tự do

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 16 Hiệp định Thương mại tự do với rất nhiều nước và khu vực trên thế giới, có thể nói đây là một trong các lợi thế rất lớn của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới trong việc cạnh tranh thu hút các Tập đoàn lớn đầu tư mới hoặc mở rộng các nhà máy tại Việt Nam.

Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ

Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp mối quan hệ lến đối tác chiến lược toàn diện, đây là một trong các yếu tố được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

“Đại diện Intel tại Việt Nam cũng đã khẳng định doanh nghiệp này đánh giá cao môi trường chính trị - xã hội ổn định của Việt Nam, sự sẵn sàng của lực lượng lao động trẻ và tài năng, cũng như vị trí địa lý nằm ngay trung tâm châu Á, những điều kiện để Intel tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Do đó, tôi khẳng định những luận điểm về thủ tục, thiếu điện là không có căn cứ”, ông Mại nói.

Trước đó, tối 7/11 và sáng nay 8/11, báo chí trong nước đưa tin về phản ứng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM nơi đặt nhà máy Intel trị giá 1,5 tỷ USD ở Việt Nam và của Intel Việt Nam. Theo đó, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chưa nhận được thông tin chính thức Intel gác lại kế hoạch đầu tư mở rộng 1 tỷ USD. Phía Intel cũng cho biết chưa công bố chính thức về một khoản đầu tư mới nào sau khi đầu tư thêm gần 500 triệu USD vào Việt Nam và Intel vẫn cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Tại Đông Nam Á, tính đến thời điểm hiện tại, Intel đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, từ tháng 12/2021, Intel đã rót 7 tỷ USD đầu tư xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip mới tại Malaysia, dự kiến, nhà máy này sẽ hoạt động sản xuất vào năm 2024.

Chính phủ Malaysia cho biết khoản đầu tư 30 tỷ ringgit (7,1 tỷ USD) dự kiến sẽ tạo ra hơn 4.000 việc làm cho Intel và hơn 5.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng.

Chat qua zalo