Tận dụng lợi thế FTA, thúc đẩy thị trường cà phê rang xay và hòa tan tại Việt Nam

Theo cam kết của các hiệp định này thì tất cả các thị trường xuất khẩu đều mở cửa cho cà phê rang xay và chế biến sâu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu của các nước trong Hiệp định.

 

Hình ảnh toạ đàm “Tận dụng đầu tư vào ngành cà phê thông qua các FTA trong bối cảnh bình thường mới”

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) vừa tổ chức toạ đàm “Tận dụng đầu tư vào ngành cà phê thông qua các FTA trong bối cảnh bình thường mới”, nhằm kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cà phê tại Việt Nam.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ Tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta thứ hai trên thế giới, niên vụ cà phê 2019 - 2020 Việt Nam đã xuất khẩu được 1,6 triệu tấn cà phê. So với niên vụ 2018-2019, sản lượng sụt giảm 15%.

Do bão lũ, thời tiết thay đổi, giá cà phê xuống 4 năm liền khiến cho nên người nông dân không muốn bỏ vốn đầu tư nhiều để chăm sóc vườn cà phê, làm ảnh hưởng đến sản lượng. Trong những năm vừa qua, Việt Nam có nhiều thay đổi. Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam cũng đẩy mạnh sang chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, chiếm khoảng 12%/tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê.

Vững chãi trên thị trường nội địa

Hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến tiêu thụ cà phê tại thị trường trong nước, cho đến nay ở Việt Nam có khoảng nửa triệu quán cà phê trong đó các quán cà phê mở theo chuỗi đã giúp tăng tiêu dùng nội địa lên rất nhiều. Trước đây, tiêu dùng trong nước chỉ chiếm khoảng 7% nhưng hiện nay đã nâng lên trên 10%.

Cũng trong những năm qua, VICOFA đã đẩy mạnh các chương trình xúc tiến tiêu thụ cà phê trong nước, tổ chức các lớp đào tạo về rang xay và chế biến cũng như phổ biến cách thưởng thức cà phê theo văn hóa của người Việt Nam.

Chỉ khi có được sức mạnh nội lực, vững chãi trên thị trường nội địa, cà phê Việt Nam mới có cơ hội để được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, được trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam đã bỏ ra, góp phần tạo dựng nên thương hiệu chung cho ngành cà phê Việt Nam.Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Phó Chủ tịch VICOFA, Tổng Giám Đốc của TNI King Coffee

Hiện VICOFA vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến để tăng tiêu dùng trong nước và phấn đấu trong 10 năm tới nâng tỷ lệ tiêu dùng nội địa lên từ 15% đến 20%. Chúng ta đều biết rằng uống cà phê có lợi cho sức khỏe và cách uống như thế nào thì để tăng sức khỏe một cách tốt nhật vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Phó Chủ tịch VICOFA, Tổng Giám Đốc của TNI King Coffee, đồng sở hữu tập đoàn Trung Nguyên chia sẻ: “Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để bứt phá và vươn mình thành cường quốc số 1 về cà phê. Nếu chúng ta nâng cao giá trị ngành cà phê Việt Nam, chúng ta sẽ có cơ hội đạt được 2 thành tựu quan trọng.

Thứ nhất, giúp cho 10% sản lượng cà phê nhân xuất khẩu thành cà phê thành phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Thứ hai, gia tăng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa từ 1.68 kg/người (năm 2019) lên 3 kg/người (năm 2023). Và chỉ khi có được sức mạnh nội lực, vững chãi trên thị trường nội địa, cà phê Việt Nam mới có cơ hội để được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, được trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam đã bỏ ra, góp phần tạo dựng nên thương hiệu chung cho ngành cà phê Việt Nam”.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tổ chức các chương trình đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam, hiện ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thành công các thương hiệu cà phê nổi tiếng, như cà phê Trung Nguyên, Nescàfe, Vinacafe, Cà phê Mê Trang, Cà phê Phúc Sinh, Cà phê T&T … và còn rất nhiều thương hiệu cà phê khác nữa.

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ các FTA thế hệ mới

Trong năm nay, Việt Nam có những trận bão lụt ở miền Trung và Tây Nguyên lớn nhất trong vòng 30 năm qua, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành cà phê nói riêng.

"Đã có trên 100.000 hecta cà phê bị ảnh hưởng nên sẽ tác động đến sản lượng cà phê trong những năm tới, và tình hình này sẽ tác động như thế nào lên sản lượng cà phê trong nước thì VICOFA và những nhà xuất khẩu đều có chung dự báo trong năm 2021, sản lượng cà phê Việt Nam có thể giảm khoảng 15%”, ông Tự cho hay.

Tuy sản lượng cà phê của Việt Nam trong những năm gần đây có giảm và dự kiến sản lượng cà phê trong niên vụ 2021 cũng sẽ giảm nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê Robusta ở mức cao trên thế giới. Ngoài ra, thị trường mở tại Việt Nam và chính sách đầu tư thông thoáng cùng việc Chính phủ Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định Thương mại tự do, nếu cà phê được chế biến ở Việt Nam và xuất khẩu đi các nước sẽ được hưởng ưu đãi về thuế.

Ví dụ như hiệp định CPTPP, Hiệp Định thương mại Á - Âu, hiệp định EVFTA và mới đây là hiệp định RCEP, ... và theo cam kết của các hiệp định này thì tất cả các thị trường xuất khẩu đều mở cửa cho cà phê rang xay và chế biến sâu của Việt Nam và được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu của các nước trong Hiệp định.

Từ những lợi thế đó, Việt Nam hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm hơn đến lĩnh vực rang xay và chế biến cà phê hòa tan ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển hơn nữa và nâng cao chuỗi giá trị hạt cà phê Việt, đồng thời các nhà đầu tư cũng được hưởng lợi do các định Hiệp định này mang lại.

Ngoài ra, phí lao động còn khá thấp, chính sách và những ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam Nam vẫn đang thực hiện sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư sản xuất kinh doanh thành công.

Chat qua zalo