Tăng cường giao lưu Thương mại Việt Nam - Ấn Độ
Ngày:28/10/2020 08:40:13 SA
Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ cũng như tạo cơ hội giao lưu, kết nối quan hệ đối tác thương mại cho công đồng doanh nghiệp hai nước, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. HCM, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI HCM), phối hợp với Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) tổ chức Hội nghị trực tuyến "Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ".
Bà Riva Ganguly Das - Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phát biểu tại Diễn đàn.
Diễn đàn đã cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, tình hình kinh tế và những chính sách phát triển, quan hệ thương mại của hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước trao đổi và tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương, góp phần xây dựng các chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy có thể đứng vững trước các nguy cơ gián đoạn trong tương lai.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2019 đạt hơn 11,2 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt trên 5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 2,6 tỷ USD và xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam đạt trên 2,4 tỷ USD.
Các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm máy vi tính, điện thoại và linh kiện. Các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam là sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, dược phẩm. Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng hai quốc gia vẫn đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD trong thời gian tới.
Bà Riva Ganguly Das - Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị và nồng ấm lâu đời dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, thiện chí và sự hội tụ chiến lược trong một số vấn đề toàn cầu và khu vực.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước hiện nay trải dài trên một phạm vi hợp tác rộng lớn - từ tương tác chính trị đến quan hệ đối tác kinh tế và phát triển, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác năng lượng, giao lưu văn hóa và nhân dân.
“Việt Nam một là trụ cột chính trong “Chính sách Hành động Hướng Đông” của Ấn Độ và là một đối tác quan trọng trong “Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” vốn dựa trên các giá trị và lợi ích chung trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực”, bà Riva Ganguly Das chia sẻ.
Theo bà Riva Ganguly Das, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ mức khiêm tốn chỉ 200 triệu USD vào năm 2000 lên 12,34 tỷ USD trong tài khóa 2019-2020. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và lớn thứ 4 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, Indonesia và Malaysia.
Trong khi đó, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như thịt trâu, thủy sản, ngô, thép, dược phẩm, bông, máy móc trong khi hàng nhập khẩu từ Việt Nam điện thoại di động, máy móc thiết bị điện, máy tính, phần cứng điện tử, cao su thiên nhiên, hóa chất, cà phê...
Thứ trưởng Riva Ganguly Das khẳng định, hai nước có tiềm năng lớn hợp tác trong các lĩnh vực khách sạn, y tế, dược phẩm, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, dịch vụ, công nghệ thông tin, khai khoáng, nông nghiệp... “Hai bên có thể thiết lập quan hệ đối tác mới trong các lĩnh vực như nông - hải sản, dệt may, da và giày dép, máy móc thiết bị điện để đa dạng hóa giỏ thương mại”. Bà Riva Ganguly Das nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Sanh Châu – Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam có thể được xem là đối thủ cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng với các lĩnh vực thế mạnh bổ sung cho nhau, hai nước có nhiều tiềm năng để thúc đẩy đầu tư song phương.
Ông Phạm Sanh Châu – Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ phát biểu tại Diễn đàn.
Đại sứ bày tỏ hy vọng diễn đàn này sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp thông tin và kết nối các doanh nghiệp hai nước. Đại sứ cũng lưu ý, theo một số tổ chức ngân hàng quốc tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ có thể tăng thêm 1,1 tỷ USD mỗi năm. Trong bối cảnh những chuyển động của chuỗi cung ứng thời hậu COVID-19, thương mại giữa hai nước có thể đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp toàn cầu.
Về quan hệ đầu tư, theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành, tính đến tháng 4/2020, Ấn Độ đứng thứ 26 trên 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 272 dự án, tổng vốn đăng ký trên 887 triệu USD, tập trung chủ yếu vào khai thác dầu khí, chế biến khoáng sản, CNTT, nông sản… Với việc đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, Việt Nam đang chứng minh là một điểm đến an toàn và tin cậy dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc bắt đầu.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA) đã được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 đang mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho không chỉ hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn hàng hóa, dịch vụ của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung, các nhà đầu tư Ấn Độ nói riêng.
Phó Chủ tịch VCCI cho biết, chỉ tính riêng tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7/2020 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi, bao gồm: thủy sản, nông sản, thực phẩm, điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê…
"Theo EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Để được hưởng các ưu đãi thuế này, các nhà đầu tư Ấn Độ nên mở rộng đầu tư sang Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như: nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nguyên liệu thức ăn gia súc…". Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Diễn đàn được tiếp nối với phiên giao lưu doanh nghiệp (B2B) về các lĩnh vực khác nhau bao gồm thủy sản, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, sắt thép, hóa chất, công nghiệp ô tô, chăm sóc sức khỏe và dợc phẩm. Gần 50 đại diện doanh nghiệp từ Ấn Độ và Việt Nam đã tham gia vào phiên giao lưu doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp tham dự tin rằng, những cơ hội hợp tác kinh doanh sẽ đạt được thông qua hình thức hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ & tiếp thị giữa các doanh nghiệp Ấn Độ & Việt Nam trong nhiều lĩnh vực; tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại song phương và hợp tác đầu tư để đạt được các mục tiêu kinh tế cao hơn.