Tập đoàn lớn rời Trung Quốc, Việt Nam ghi dấu ấn 'bản đồ mới'

Các chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang "tư duy lại" chiến lược gia công và toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo đó, sẽ đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu rủi ro, thay vì dựa hoàn toàn vào Trung Quốc, sau đại dịch Covid-19. Một bản đồ mới của chuỗi sản xuất toàn cầu sẽ được vẽ lại sau cơn khủng hoảng 2020.

Hơn 30 năm trước, các tập đoàn lớn có quy mô toàn cầu đã xây dựng hệ thống sản xuất tại Trung Quốc vì chi phí rẻ. Tuy nhiên, thương chiến Mỹ - Trung vừa qua đã dẫn tới gánh nặng thuế và nguy cơ gián đoạn nguồn cung, buộc các DN phải cân nhắc lại. Đại dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc rồi lan khắp Trung Quốc và thế giới, tạo ra một vấn đề mới nghiêm trọng không kém. Để thích nghi với những “cú sốc” không lường trước, các tập đoàn đang tính tới việc chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim khẳng định.

Tập đoàn lớn rời Trung Quốc, Việt Nam ghi dấu ấn 'bản đồ mới'
Việt Nam làm gì để đón làn sóng đầu tư nước ngoài sau dịch Covid-19?

Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các DN nước này chuyển dời những ngành sản xuất quan trọng ra khỏi Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ muốn hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành lập "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế", thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu thời hậu Covid-19. Ngày 29/4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này đang trao đổi với Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để "đưa kinh tế toàn cầu tiến lên". Cùng với đó là kêu gọi cả khu vực Mỹ Latin tham gia liên minh này.

Có thể nói, đây là cơ hội để Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư mới gia tăng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực với các lĩnh vực sản xuất quan trọng. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng tâm thế “đón sóng” chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phát hành cho thấy, các DN FDI ghi nhận sự cải thiện ấn tượng về môi trường kinh doanh. Nhờ các nỗ lực cải cách, thời gian thành lập DN giảm tổng cộng 38 ngày. Có 56% doanh nghiệp FDI hoàn thành thủ tục đăng ký trong thời gian dưới một tháng, 92% doanh nghiệp FDI nhận được toàn bộ giấy tờ cần thiết để đi vào hoạt động chính thức trong vòng chưa đầy 3 tháng. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI có lãnh đạo phải bỏ ra trên 5% quỹ thời gianđể tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính đã giảm từ mức 70% trong các năm 2012-2016 xuống còn 41,3% .

Có bị bỏ lỡ?

Mặc dù vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn xếp thứ hạng khá thấp, đứng vị trí 70 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2019, liên tục giảm trong 2 năm gần đây (mỗi năm giảm 1 bậc). Qua đó ghi nhận Việt Nam có cải cách, nhưng còn ít và chậm. Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei. Để bắt kịp Thái Lan vị trí thứ 21 hay Malaisia vị trí 12 thì còn khoảng cách khá xa.

Theo VCCI, hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn nhiều tồn tại, đó là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Chẳng hạn các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Bảo vệ môi trường, Tài nguyên nước,... chưa thống nhất về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, thời hạn thực hiện thủ tục; chồng lấn khi thực hiện thủ tục hành chính... Thực tế này đang khiến nhiều nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục không?

Tập đoàn lớn rời Trung Quốc, Việt Nam ghi dấu ấn 'bản đồ mới'
Vẫn còn hiện tượng“lót tay” để bôi trơn khi làm thủ tục 

Đó là 1 nguyên nhân khiến việc triển khai dự án kéo dài, thậm chí đình trệ, không thể triển khai, tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro.

Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, sau năm 2018, Việt Nam có những chuyển động tích cực, có tính cải cách, đột phá thì sang năm 2019, sự nhiệt tình của các Bộ, ngành giảm đi đáng kể khi không cắt giảm hoặc cắt giảm nửa vời.

Thủ tục khiến DN vướng mắc lớn nhất hiện nay là về đất đai, giải phóng mặt bằng. Việc vận dụng các quy định, chính sách ở các địa phương vẫn còn tồn tại những bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi, sự bình đẳng cho các nhà đầu tư. Hiện tượng nhũng nhiễu của cán bộ khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn cao, chi phí “lót tay” lớn...

Một vấn đề nghiêm trọng nữa là ô nhiễm môi trường. Nhiều địa phương đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, trong khi kế hoạch phát triển bền vững chưa được triển khai. Quản lý sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon và giảm phát thải, quản lý chất thải, quản lý phương tiện giao thông vận tải,... đang tác động tới sức khỏe con người. Ô nhiễm môi trường sẽ khiến nhà đầu tư e dè, làm suy giảm giá trị đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng với khung pháp lý công bằng, minh bạch và vận hành chính sách ổn định để hấp dẫn, thu hút FDI bền vững. Cùng với đó là nâng cao chất lượng môi trường, với các kế hoạch phát triển bền vững. Đó là kỳ vọng của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài vào chính quyền trong thời gian tới.

Chat qua zalo