Thanh Hóa: Nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN). Trong đó, đối tượng DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ chịu tổn thương nhiều nhất do còn hạn chế về vốn, kinh nghiệm tích lũy, khả năng quản trị rủi ro. 

Theo rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ tháng 4-2020 tỷ lệ DN bị ngừng hoạt động bắt đầu tăng (tăng 11,75% cùng kỳ) do sức chống chịu của các DN đã đến ngưỡng. Nhiều DN bị “đóng băng” sản xuất, rơi vào khó khăn, cho người lao động tạm thời nghỉ việc, giãn việc. Ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn...

Ông Đới Sĩ Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: Để hỗ trợ các DN vượt khó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi thụ hưởng chính sách, một số DN đã nhanh nhạy thích ứng, chuyển đổi, đầu tư thêm ở một số lĩnh vực sản xuất mà thị trường có nhu cầu cao trong bối cảnh này như: Y tế, khoa học công nghệ, hàng hóa thiết yếu, bảo hiểm...

Điển hình như may mặc, đây là một ngành sản xuất gặp khó khăn sớm nhất và toàn diện trong cả chuỗi sản xuất, từ cung tới cầu. Không chỉ áp lực lên vấn đề doanh thu và lợi nhuận DN, việc làm của hơn 100.000 lao động. Trước bối cảnh này, nhiều DN đã chủ động tìm kiếm thêm các nguồn nguyên liệu từ những thị trường ít ảnh hưởng, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và chuyển đổi một bộ phận dây chuyền sang sản xuất khẩu trang, tạm thời có giải pháp cân đối việc làm. Được biết, một số DN trong lĩnh vực này, như: Tổng Công ty Tiên Sơn, Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng... cũng đang xúc tiến các thủ tục xuất khẩu mặt hàng khẩu trang để duy trì việc làm cho lao động.

Là một DN nhỏ mới tham gia thị trường từ tháng 3-2017, Công ty CP Vin.LS (TP Thanh Hóa) hoạt động chính trên lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phát triển hạ tầng, sản xuất đá ốp lát. Trong những tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các hội thảo, hội nghị giới thiệu dự án mới bị hủy bỏ, người dân hạn chế giao dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến lượng giao dịch bất động sản. Bà Lê Thị Thắm, Giám đốc Công ty CP Vin.LS, chia sẻ: Trước tình hình đó, công ty đẩy mạnh việc ứng dụng bán hàng, tư vấn bất động sản qua kênh trực tuyến, quảng cáo qua Zalo, Facebook để duy trì bán hàng và tư vấn, chờ đợi thị trường ổn định trở lại. Bên cạnh đó, nhận định lĩnh vực xây lắp ít chịu tác động bởi dịch bệnh nên trong thời gian này, công ty tập trung lực lượng, nguồn vốn vào sản xuất vật liệu đá xây dựng và các dự án hạ tầng. Công ty còn hỗ trợ vốn cho một nhóm nhân viên phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nhập nguyên liệu, tổ chức sản xuất buồng khử khuẩn để tặng cho một số bệnh viện, công sở và bán ra thị trường, nhằm tăng thu nhập cho lao động trong bối cảnh doanh thu bất động sản bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp là một tình huống bất khả kháng, chưa nằm trong kế hoạch quản trị rủi ro của DN. Tuy nhiên, đây cũng là một “phép thử” để “đo” sức khỏe nội tại, khả năng ứng biến của các DN hiện nay. Sau khó khăn này, nhiều DN sẽ rút ra được những bài học, những kinh nghiệm trong quản trị điều hành, để biến “nguy” thành “cơ” trước những biến động của thị trường kinh doanh ngày càng khốc liệt.

Nguồn: Baothanhhoa.vn 

Chat qua zalo