Thanh Hóa: Phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Tượng Lĩnh
Ngày:25/04/2024 04:01:06 CH
Khu công nghiệp Tượng Lĩnh thuộc địa giới hành chính xã Trường Minh, xã Thăng Bình và xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống. Đây là khu công nghiệp có sử dụng công nghệ cao, ưu tiên các ngành nghề lắp ráp linh kiện điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin...
Ảnh minh họa
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1616/QĐ-UBND quyết định về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Phạm vi lập quy hoạch Khu công nghiệp Tượng Lĩnh thuộc địa giới hành chính xã Trường Minh, xã Thăng Bình và xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Việc quy hoạch Khu công nghiệp Tượng Lĩnh với mục tiêu thu hút đầu tư và nhu cầu của các nhà đầu tư, với việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kết nối với Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện Nông Cống nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đây là khu công nghiệp có sử dụng công nghệ cao, ưu tiên các ngành nghề lắp ráp linh kiện điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, quy mô lao động của khu công nghiệp này khoảng 15.300 người.
Ranh giới của khu công nghiệp này được giới hạn như sau: Phía bắc giáp Trung tâm hỗn hợp quy hoạch; phía Nam giáp đường tỉnh 525 và đất cây xanh quy hoạch; phía Đông giáp đường tử Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (Quốc lộ 47B) và cụm công nghiệp Tượng Lĩnh; phía Tây giáp đất cây xanh quy hoạch. Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch Khu công nghiệp Tượng Lĩnh khoảng 353ha. Trong đó, đất khu công công nghiệp diện tích khoảng hơn 344ha, đất ngoài khu công nghiệp diện tích khoảng gần 9ha.
Với diện tích đất khu công nghiệp hơn 344ha được chia thành 2 khu A và B. Khu A diện tích khoảng hơn 217ha nằm phía Bắc kênh Nam sông Mực, khu B diện tích khoảng hơn 126ha nằm đối diện phía Nam kênh Nam sông Mực.
2 khu vực trên sẽ được bố trí các khu chức năng cụ thể, như quy hoạch phân lô các lô đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp linh hoạt, có thể ghép nối nhiều lô đất để đáp ứng yêu cầu xây dựng của các nhà máy có quy mô lớn. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn mang tính chất mỏ neo cho phát triển khu công nghiệp.
Khu hành chính, công cộng dịch vụ, gồm các công trình văn phòng điều hành, cơ quan quản lý, cơ sở lưu trú, các công trình dịch vụ thương mại và trưng bảy sản phẩm, đội phòng cháy chữa cháy, trung tâm văn hóa thể thao khu công nghiệp được bố trí ở gần lối ra vào của khu công nghiệp. Tiếp đến, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật là Trạm điện, xử lý nước thải... được bố trí khu vực phía Tây Nam khu công nghiệp cạnh đường các tuyến đường giao thông thuận lợi cho việc đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp.
Khu vực trồng cây xanh được bố trí tập trung thành các khu thể thao, các khuôn viên vườn hoa cho khu công nghiệp, tại các vị trí tiếp giáp khu dân cư hiện trạng và công trình hạ tầng kỹ thuật bố trí dải cây xanh cách ly đảm bảo môi trường theo quy định. Hệ thống giao thông nội khu được thiết kế theo dạng ô bàn cờ, thuận lợi kết nối với các tuyến đường giao thông đối ngoại, đảm bảo tiếp cận thuận tiện đến từng lô đất.
Khu công nghiệp Tượng Lĩnh sẽ kết nối với các khu vực xung quanh qua các tuyến giao thông đối ngoại, gồm các tuyến đường Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (Quốc lộ 47B) có chiều rộng mặt cắt ngang 76m, tuyến đường tỉnh 525 có chiều rộng mặt cắt ngang 42m.
Theo đồ án quy hoạch, vị trí khu nhà ở cho chuyên gia, công nhân dự kiến bố trí vào khu vực phía Đông, gần nút giao đường tỉnh 525 với đường Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (Quốc lộ 47B), thuộc thôn Phú Long, xã Tượng Lĩnh, với diện tích khoảng 9,5ha.
Nhu cầu tái định cư cho Khu công nghiệp Tượng Lĩnh khảong 80 hộ, ước tính cần quỹ đất tái định cư khoảng 4ha. Cụ thể, vị trí khu tái định cư cho dân cư thôn Đặng Đổi, xã Trường Minh thuộc lô đất ở mới, phía trước UBND xã Trường Minh, với diện tích khoảng 3ha. Vị trí khu tái định cư cho dân cư thôn Thái Lai, xã Thăng Bình nằm xen cư vào khu dân cư hiện trạng trong thôn (Đường xuống nhà văn hóa Lai Phục), với diện tích khoảng 1ha.