Thành phố Hồ Chí Minh cam kết gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
Ngày:28/02/2020 04:08:02 CH
Sáng 22/2 tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh và các Sở, ngành thành phố đã tổ chức buổi đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố.
Cần rút ngắn quy trình 6 bước
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, để thực hiện một dự án bất động sản có đất hỗn hợp, doanh nghiệp phải trải qua 6 bước. Bước 1 là làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, bước 2 là trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, bước 3 là làm thủ tục giao thuê đất, bước 4 là quy định doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, bước 5 mới được cấp “sổ đỏ” dự án và bước 6 doanh nghiệp mới được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp bất động sản cho rằng quy trình 6 bước quá dài, cần rút ngắn lại thành 4 bước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt nhất.
Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, quy trình 6 bước hiện nay quá dài vì đến bước thứ 6 mới cho doanh nghiệp làm giấy phép xây dựng. “Đặc biệt, mới đến bước thứ 4 đã bắt doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; trong khi từ lúc nộp tiền sử dụng đất đến khi ra giấy phép xây dựng phải mất khá nhiều thời gian, mà thời gian này doanh nghiệp không làm được gì khiến tiền tiếp tục “ngâm” trong đất. Thực tế, đến lúc này doanh nghiệp đã phải bỏ ra khá nhiều tiền để đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất… Những khoản tiền này cũng là tiền đi vay từ ngân hàng. Nếu dự án “ngâm” quá lâu sẽ khiến chi phí vốn đội lên và toàn bộ chi phí này tính vào giá thành, khách hàng là người gánh chịu cuối cùng”, ông Lực cho biết.
Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành cho biết, nếu áp dụng theo quy trình 6 bước, khi ra được thông báo tính tiền sử dụng đất, có khi mất cả chục năm chưa xong các thủ tục để cấp sổ đỏ nhà ở cho người dân.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quy trình 6 bước, nếu nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 thì chưa phù hợp với quy định hiện hành. “Hiện nay, pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này, mà chỉ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước (tiền sử dụng đất) trong 2 trường hợp: một là để làm thủ tục cấp sổ đỏ; hai là để bán nhà, nền nhà hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Nếu nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 (riêng thời gian làm thủ tục phải mất trên dưới 2 năm hoặc lâu hơn), thì doanh nghiệp bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... sẽ tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu”, ông Châu cho biết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, nếu đến bước 6 doanh nghiệp mới được công nhận chủ đầu tư, mới được thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và mới được thi công xây dựng các công trình của dự án (thời gian thi công mất trên dưới 2 năm mới đủ điều kiện huy động vốn) thì quy định này cũng không phù hợp với pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị. Doanh nghiệp bị chôn vốn khoảng trên dưới 5 năm, làm tăng giá thành và cuối cùng người mua nhà lại phải gánh chịu. Ngoài ra, chưa kể năm 2019 cũng là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn; nhiều dự án nhà ở của doanh nghiệp bất động sản bị “bất động” vì môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay theo quy định, các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẽ đất nhà nước quản lý tương tự nhau, nhưng có một số dự án tại TP Hồ Chí Minh chưa được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án ở các tỉnh khác lại được phê duyệt, nên chưa đảm bảo tính công bằng. Điều này cũng khiến nguồn cung sản phẩm nhà ở tại TP Hồ Chí Minh đang bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Cụ thể trong năm 2019, thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm 2018. Có những dự án một năm không có câu trả lời với doanh nghiệp, hồ sơ vẫn nằm trên bàn của cơ quan chức năng.
“Nguồn cung ít vô tình đẩy giá nhà tăng cao, trong đó căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15 - 20%. Đặc biệt, năm 2019 có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó có cơ hội sở hữu nhà ở tại thành phố”, ông Châu nói.
Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố cảm thấy trăn trở khi nghe Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh báo cáo rằng hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, không đạt chỉ tiêu.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các Sở, ngành phải tập trung trả lời cụ thể, rõ ràng những phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp; hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để sớm triển khai thực hiện dự án. “Những vấn đề nào chưa thể trả lời ngay được, đề nghị trong 10 ngày làm việc phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp chờ lâu. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc những vấn đề cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng tổng hợp đầy đủ các ý kiến, trên cơ sở đó tham mưu Thành phố xây dựng các giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.
“Thành phố luôn trân trọng mọi ý kiến đóng góp, sẵn sàng lắng nghe và cam kết chuyển thể mọi ý kiến khả thi thành hành động để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, kết hợp với các chương trình đột phá. Trong quý I, thành phố dự kiến sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng để góp phần tạo nên một hệ sinh thái cho doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị- xã hội ổn định, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bất động sản làm ăn lâu dài tại TP Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Nguồn: baotintuc.vn